1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sim vip xả hàng?

Ngày 31/12/2013, nhiều sim chưa sử dụng sẽ bị khóa. Câu hỏi được đặt ra kinh doanh sim số đẹp đã sắp đến thời khắc phá sản(?) Cánh buôn sim đẹp, sim VIP sẽ bỏ nghề(?). Câu trả lời là đang có một cuộc tháo chạy của dân buôn sim VIP.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

 
“Án tử” cho sim “chết”

6/7/2011 - ngày ban hành Quyết định 978/QĐ-VNPT-KD của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng đã trôi qua được gần 2 năm. Theo đó, các loại sim/kit của MobiFone và VinaPhone phát hành trước 0h ngày 1/8/2011 chỉ có thời hạn sử dụng tối đa đến hết ngày 31/12/2013. Các sim/kit phát hành sau 0h ngày 1/8/2011 có thời gian sử dụng tới 24h ngày 31/12 của năm thứ 2 liền sau năm phát hành. Sau thời gian này, tất cả sim/kit của VinaPhone và Mobiphone đã phát hành ra thị trường nhưng không được kích hoạt, hoặc đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước sẽ bị thu hồi để phát hành lại theo quy định hiện hành. Thực tế, thông qua chính sách này các hãng viễn thông mong muốn hạn chế được thuê bao ảo, không phát sinh cước đang nằm tại các cửa hàng đại lý, gây lãng phí “tài nguyên”. Đặc biệt việc “siết” hạn dùng sim/kit sẽ hạn chế được đại lý “đầu cơ” sim số đẹp để mua đi, bán lại kiếm chênh lệch quá cao so với giá trị thực sự của một cái sim tiêu dùng…

Hiện nay tuy chưa có một con số thống kê cụ thể nhưng phải có đến hàng triệu sim ĐTDĐ đang “nằm chết” tại các đại lý, cửa hàng buôn bán sim trên toàn quốc. Việc giới hạn lưu hành chỉ còn 6 tháng nữa sẽ là “án tử” cho hàng loạt các sim “chết” gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường và đến nay vẫn gặp phải sự phản ứng từ các đại lý sim, thẻ… Người bán có cái lý của người bán khi cho rằng họ chỉ là trung gian, hãy để thị trường hoạt động theo đúng quy luật của thị trường, thuận mua vừa bán, không thì cứ “găm” hàng ở đó. Tuy nhiên, nguồn cung là các hãng viễn thông cũng có cái lẽ của riêng mình rằng việc “siết” hạn dùng sẽ giúp họ quản lý kho số liệu hiệu quả hơn. Đồng thời các đại lý cũng có trách nhiệm bán hàng nhanh hơn thay vì nhập hàng nghìn sim sau đó “găm” đầu sim số đẹp bán kiếm lời. Một lý do nữa mà nhà mạng đưa ra là chống sim phát hành quá lâu bị hỏng và tránh những sim số đẹp bị hacker lợi dụng mà ngày cả khách hàng lẫn nhà mạng không biết..
.
“Ôm” sim phá sản(?) 

Chỉ vài năm trước, nghề cung ứng sim VIP còn là “miếng mồi ngon béo bở” thì nay, cánh buôn sim đang phải bán thốc bán tháo, thanh lý, thậm chí “cắt lỗ” thu hồi vốn nhanh chóng để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Trước đây, Công ty An ninh mạng Bkav đã tiến hành khảo sát lượng tin nhắn rắc với hàng chục nghìn người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam. Kết quả cho thấy trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới ĐTDĐ của người dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 cho đến nay, số lượng tin nhắn rác mà người dùng nhận được có nội dung rao bán sim gia tăng mạnh. Điểm đáng lưu ý là có những số điện thoại được đánh giá “đẹp” ở mức khá lại được chào bán với giá “mềm” hơn trước kia rất nhiều. Anh Trần Nghĩa (đường Xuân La, Hà Nội), người đã có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh, buôn bán sim chia sẻ: Nhiều chủ buôn sim phải “gỡ” cái đống sim “ôm” ngay để thu hồi vốn nhằm nghỉ kinh doanh. Chuyện thật 100%, bán cắt lỗ chỉ bằng nửa, có lúc giảm mạnh xuống 2/3 giá nhập hàng mà vẫn còn ì ạch, trung bình cũng tồn kho cả trăm triệu đồng tiền vốn, ai “ôm” lớn có khi lên đến hàng tỉ đồng”... 

Theo lý giải của anh Nghĩa vào thời điểm này, việc “hô” giá, “hét” giá sim đẹp lên đến khoảng trên dưới 100 triệu đồng, hoặc hơn thế nữa rất khó bán. Hiện chỉ những sim giá trên dưới 1, 2 triệu đồng thì tương đối dễ bán, thỉnh thoảng còn có người mua. Những người chưa “giải nghệ” cũng chỉ vì lý do vẫn còn nhiều sim số đẹp đã trót “ôm” từ trước, giờ vẫn phải bám trụ để thanh lý dần, túc tắc rao bán bằng nhiều kênh như đăng trên mạng, gửi “bom” tin nhắn rác… Thị trường bão hòa, tình hình kinh doanh ảm đạm, mốc hiệu lực để nhà mạng khóa những sim chưa sử dụng sắp đến gần khiến cánh buôn sim rơi vào tình cảnh sống dở, chết dở. Thời khắc đứng trên bờ vực phá sản hoàn toàn có thể xảy ra với dân buôn sim đẹp, sim VIP… 

Chấm dứt giá trị ảo của sim

Động thái của các nhà mạng di động là điều dễ hiểu. Quyết định 978/QĐ-VNPT-KD là bước quan trọng trong việc thực hiện các quy định mới về quản lý tài nguyên số, thực hiện tiết kiệm, không lãng phí kho số cho các mạng viễn thông và quản lý sim số một cách hiệu quả hơn. Bởi thực tế từ lâu lại diễn ra một nghịch lý ngược, đó là các nhà mạng luôn cháy kho số và đề xuất cấp đầu số mới trong khi đó lại phải đối phó với một lượng sim số ảo ngày càng nhiều, tốn chi phí duy trì. Trong tương lai gần, chắc chắn “nghề” buôn bán sim số sẽ co hẹp, các đại lý sẽ không dám nhập nhiều sim về bán, và không ai dám kích hoạt sim để bán vì như thế sẽ rất tốn kém và mạo hiểm. Về lâu dài, có thể sẽ hạn chế nhất định được sim số ảo và giá trị thực của sim đẹp sẽ trở về đúng với nguyên gốc của nó chứ không phải bị “thổi” lên gấp hàng trăm, hàng nghìn lần như bây giờ.  

Cánh buôn sim đã tính đến phương án “lách” để duy trì các số bằng cách kích hoạt, rồi sử dụng số để cầm cự kinh doanh dần. Ông Hiệp Hữu, chủ cửa hàng kinh doanh, buôn bán sim, ĐTDĐ ở địa chỉ Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội nhận định: Biện pháp này không khả thi, bởi mỗi đại lý chỉ có một lượng nhỏ sim đẹp nhất định, nhưng lượng sim ở mức trung bình, khá thì có tới hàng trăm sim, chưa kể đến việc đã có giai đoạn để sở hữu một sim đẹp, đại lý phải “ôm” liền cả một dây số nên việc “lách” bằng cách kích hoạt duy trì tất cả các số rất tốn kém. 

Càng gần tới ngày 31/12/2013, khả năng sẽ có một cơn “co giật” của thị trường sim số đẹp, sim VIP khi động thái xả hàng, cắt lỗ của dân buôn đã bắt đầu diễn ra, đưa các mức giá về sát với thực tế để người có nhu cầu có thể tiếp cận. Rõ ràng việc quản lý chặt, minh bạch thị trường sim số sẽ hạn chế đi rất nhiều những tiêu cực do sim “vô chủ” gây ra như lừa đảo, gửi “bom” tin nhắn rắc; chiếm đoạt sim đẹp… tạo đà cho một nền viễn thông di động phát triển bền vững. 
 
Theo Đoan Trang
An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm