"Siêu uỷ ban" quản lý 5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước chính thức ra mắt

(Dân trí) - Sau nhiều chờ đợi, ​sự kiện ra mắt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước hay còn gọi là "siêu uỷ ban" sẽ diễn ra vào ngày mai (30/9).

Đến thời điểm hiện tại đã cơ bản kiện toàn nhân sự, tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Đến thời điểm hiện tại đã cơ bản kiện toàn nhân sự, tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Thông tin về quá trình chuẩn bị thành lập của Ủy ban trong thời gian qua, Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết, cho đến thời điểm hiện tại đã cơ bản kiện toàn nhân sự, tổ chức của Ủy ban, trong đó Lãnh đạo Ủy ban ban đầu gồm 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch.

Ủy ban đã hoàn thành xây dựng Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc và tổ chức thành lập Hội đồng tuyển dụng để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, thủ tục tuyển dụng, tiếp nhận 50 biên chế trong năm 2018.

Ủy ban này cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Đỗ Hữu Duy, Phó vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương làm Chánh văn phòng Ủy ban.

"Dự kiến năm 2019 sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế có chất lượng đáp ứng khối lượng công việc đề ra. Đồng thời, Ủy ban cũng đã xây dựng và đang tiếp tục kiện toàn đồng bộ công tác Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên theo đúng quy định", ông Hoàng Anh cho biết.

Theo Chủ tịch Uỷ ban, hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ (khoảng hơn 40 quy chế) hiện đã cơ bản hoàn thành để đảm bảo hoạt động Ủy ban ngay sau khi ra mắt.

Đồng thời, hoàn thành xây dựng chuẩn bị kế hoạch hoạt động, xây dựng hệ thống thông tin hiện đại cho quản trị doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban sẽ áp dụng các tiêu chí quản trị hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhằm tăng cường tính minh bạch, kịp thời, hiện đại theo xu thế cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

"Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đồng bộ về thể chế pháp lý, quy trình, quy chế, nhân sự, cơ sở vật chất…Ủy ban đã hoàn toàn sẵn sàng để tiếp nhận các doanh nghiệp để quản lý thông suốt, không để hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gián đoạn khi chuyển giao về Ủy ban", ông cho biết.

Người đứng đầu "siêu uỷ ban" quản lý vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, tổng công ty lớn cũng chia sẻ, công việc cần triển khai ngay sau khi Ủy ban đi vào hoạt động chính thức là hết sức lớn và nặng nề. Ủy ban đã chủ động đề ra kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2020 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung các nội dung chủ yếu.

Theo đó, chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019, nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vốn nhà nước và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phương Dung

"Siêu uỷ ban" quản lý 5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước chính thức ra mắt - 2