1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Siêu công ty" dọn nợ xấu trước giờ ra mắt

(Dân trí) - Dù không phải là lời giải duy nhất cho bài toán nợ xấu, song việc thành lập Công ty Quản lý tài sản (AMC) vẫn là 1 bước tiến trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Còn nhiều câu hỏi và hoài nghi cần giải đáp về AMC.

Những ngày cuối tháng 3, thị trường vẫn trông chờ một thông tin chính thức về việc ra đời công ty Quản lý tài sản (AMC), như một mấu chốt quan trọng trong Đề án xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trả lời Bloomberg gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, đến nay, Bộ Chính trị đã thông qua đề án và công tác chuẩn bị cho việc thành lập AMC gần như đã hoàn tất.

Sự hiện diện của AMC sẽ giúp làm sạch bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.

Chưa có con số thống nhất và chính xác về quy mô nợ xấu ở Việt Nam.
Chưa có con số thống nhất và chính xác về quy mô nợ xấu ở Việt Nam.

Nhiều dấu hỏi quanh cơ chế hoạt động của AMC

Tại báo cáo hàng ngày của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra gần đây, công ty cũng đã có một số bình luận xung quanh những vấn đề về AMC dựa trên những thông tin rò rỉ ban đầu.

Cụ thể, AMC được cho là sẽ có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, được cấp phép thực hiện thu hồi nợ, xử lý tài sản, cơ cấu lại khoản vay và chuyển đổi nợ thành cổ phần của khách vay.

Trái phiếu mà AMC phát hành dự kiến có kỳ hạn 5 năm, lãi suất coupon 0% để mua lại nợ xấu tại 100% giá trị sổ sách.

Theo quan sát của VCSC, Trung Quốc đã không thành công lắm khi áp dụng phương pháp này. Trước tiên về cơ bản, các ngân hàng được cấp phép miễn phí và không phải chịu trách nhiệm thu hồi nợ xấu sau khi đã bán nợ xấu cho công ty xử lý nợ. Thứ hai, công ty xử lý nợ khó có thể nhanh chóng thanh lý nợ xấu vì giá trị sổ sách thường cao hơn thực tế.

Tuy nhiên, AMC cũng sẽ buộc các ngân hàng mỗi năm trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu của công ty xử lý nợ. Theo VCSC, đề xuất này sẽ xử lý 2 vấn đề nêu trên vì các ngân hàng sẽ được khuyến khích tham gia vào quá trình thu hồi nợ nếu không muốn bị mất 100% khoản nợ sau 5 năm.

Nếu việc thu hồi nợ xấu thành công, AMC sẽ giữ lại 15% khoản tiền thu về trong khi ngân hàng hưởng phần còn lại. VCSC cho rằng, các ngân hàng sẽ muốn tự mình xử lý nợ xấu hơn, thay vì phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu.

Có ý kiến cho rằng, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% phải bán nợ xấu cho AMC. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại không có nhiều ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu quá 3%, sau khi đã tái cấu trúc danh mục tín dụng theo Quyết định 780 của NHNN.

Do vậy, nếu NHNN muốn đẩy nhanh quá trình mua lại nợ xấu thì cần sửa đổi quyết định 780 để tỷ lệ nợ xấu thực tế được báo cáo trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, nhiều chi tiết vẫn chưa được công bố, như loại nợ xấu nào sẽ được mua đầu tiên, quy trình xử lý nợ xấu, khung pháp lý cho việc thanh lý tài sản, ban lãnh đạo và nhân lực, các điều khoản tạm thời...

Mới đây, trao đổi với Dân trí, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng cho biết, trong cuộc họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ sẽ bàn về AMC. Như vậy, thông tin chính thức về công ty này có thể sẽ được công bố trong chiều 29/03.

AMC không phải là lời giải duy nhất cho bài toán nợ xấu

Trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2013 của Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), các chuyên gia phân tích ở đây cho biết, qua tính toán, khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 8,6% xuống 6% tại thời điểm cuối tháng 2 thì nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm đi 53.684 tỷ đồng.

Dẫn báo cáo tài chính của 7 ngân hàng lớn, chiếm khoảng 40% tổng dư nợ toàn hệ thống, VCBS cho rằng, tổng số dự phòng đã sử dụng để xử lý nợ xấu vào khoảng 15.502 tỷ đồng.

Với giả định các ngân hàng khác (chiếm 60% thị phần tín dụng còn lại) cũng như thực hiện việc xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng tương tự như các ngân hàng trên thì sẽ có khoảng 23.253 tỷ đồng nợ xấu nữa được xử lý.

Số nợ xấu còn lại, khoảng 14.930 tỷ đồng, có thể đã được các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ.

VCBS cũng đánh giá, dù việc tái cơ cấu khoản nợ của các ngân hàng có thể góp phần làm giảm nợ xấu trong thời điểm hiện tại, nhưng các khoản nợ này vẫn có khả năng trở thành nợ xấu trong tương lai gần. Do đó, giải pháp bền vững nhất cho việc giảm nợ xấu là sự phục hồi của doanh nghiệp.

Một tổ chức khác là Standard Chartered lại đi khá sâu vào “giải mã” nguồn chi phí tài trợ cho xử lý nợ xấu, trong đó, AMC chỉ là một trong những giải pháp bên cạnh mua bán và sáp nhập tự nguyện (M&A) và đa dạng hóa ngành…

Theo đó, một trong những kênh được xem xét đến là ngân hàng hóa nợ xấu. Kênh này sẽ giúp nhận diện nợ xấu khi không đáp ứng được các chỉ số trong bảng cân đối kế toán. Từ đó, loại bỏ và phân loại nợ, đưa vào quy trình xử lý.

Kênh tiếp đến là Chính phủ hoặc ngân hàng chính sách sẽ mua lại nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu và mua nợ từ ngân hàng, bao gồm xóa một phần nợ xấu.

Còn một số kênh khác được nêu ra bao gồm cứu trợ từ ngân sách, NHNN bơm vốn qua việc sử dụng dự trữ ngoại hối hay huy động nguồn vốn từ nước ngoài.

Rõ ràng, AMC không phải là phương án duy nhất để xử lý nợ xấu, và vấn đề “đau đầu” nhất là nguồn vốn xử lý nợ xấu cũng có khá nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án nào cũng cần tuân thủ theo nguyên tắc minh bạch, đặt sự an toàn của hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền lên trước hết, bởi rất khó có một lời giải nào không đi kèm rủi ro.

Bích Diệp