Siết xe công, ngân sách bớt chi ngàn tỷ

Gần đây, biểu hiện mua sắm, sử dụng lãng phí xe công bắt đầu tái xuất. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án khoán chi và xốc lại việc mua sắm xe công, theo đó mỗi năm sẽ tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng cho ngân sách.

Siết xe công, ngân sách bớt chi ngàn tỷ
Không còn cảnh xe công tràn lan đi lễ chùa, đưa rước cô dâu chú rể..., nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa mặn mà với việc khoán chi xe công. Ảnh : PV.

Bài 1: Nhiều quan chức lạm dụng xe công

Khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác của cơ quan nhà nước đã được thí điểm gần một thập kỷ. Mới đây, Bộ Tài chính trình Chính phủ đề án biến thử khoán chi sử dụng xe công thành hiện thực.

9 năm, chỉ một quan chức tự nguyện

Không còn cảnh xe công tràn lan đi lễ chùa, cũng không đến mức lạm dụng xe công bừa bãi vào việc riêng tư nhưng cần thẳng thắn, câu chuyện khoán chi tiêu cho xe ô tô vốn lâu rồi đã bị chìm vào quên lãng. Còn nhớ, cụm từ xe công lần đầu được rộ lên là vào cuối năm 2006. Khi đó, vị quan chức đầu tiên và gần như duy nhất tự nguyện trả xe ô tô công cho Nhà nước là ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (nay đã nghỉ hưu). Ông Thuận đã không sử dụng chiếc xe Toyota Camry 2.4 mà cơ quan giao, thay vào đó ông nhận mỗi tháng 4,5 triệu đồng theo khoán. Trong gần 3 năm trả lại xe ô tô, vị Phó Chủ nhiệm chỉ chi dùng hết 1,5 triệu đồng/tháng tiền phương tiện do ông chọn sử dụng các loại hình đưa đón đơn giản như lúc thì taxi khi lại xe ôm… Tính chung, ông Thuận đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Đi tìm hiểu vì sao một chủ trương ích nước, lợi nhà như vậy mà lại ít nơi áp dụng, được biết, tính đến hiện tại việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định hiện hành chỉ có tỉnh Thái Nguyên là đang thực hiện. Theo đó, tỉnh này đã ban hành quy định đơn giá thuê xe ô tô công tác, khung giá sử dụng các loại xe ô tô. Dẫu vậy, cũng chỉ có 5 đơn vị thuộc tỉnh thực hiện từ 1/2009 - 8/2013 với tổng mức chi khoảng 4,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn một số ít  các cơ quan trung ương thực hiện. Đơn cử như chỉ có Bộ Ngoại giao đang thực hiện khoán xe ra sân bay với các chức danh có tiêu chuẩn đi công tác. “Thực tế, về cơ bản, việc khoán xe này được rất ít bộ ngành hưởng ứng và áp dụng” – Một đại diện Bộ Tài chính thừa nhận.

Khoán chi xe công, nhiều đơn vị không mặn mà. Ảnh: P.S.
Khoán chi xe công, nhiều đơn vị không mặn mà. Ảnh: P.S.
 
Giám đốc Sở không có tiêu chuẩn đưa đón

Theo tính toán của Bộ Tài chính, chi phí bình quân cho 1 xe ô tô công hiện vào khoảng 310 triệu đồng/xe/năm (bao gồm: lương, công tác phí cho lái xe khoảng 70 triệu đồng, nhiên liệu 100 triệu đồng, khấu hao xe 80 triệu đồng, bảo hiểm, chi phí sửa chữa… khoảng 60 triệu đồng). “Chi phí từ ngân sách nhà nước cho việc mua sắm, sử dụng xe ô tô công hiện nay là khá lớn”, Bộ Tài chính đánh giá như vậy trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô công.

Liên quan đến việc  thực hiện cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, Bộ Tài chính đã xây dựng “khung” theo mức thực hiện cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô bắt buộc với cung đường đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các chức danh theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg. Vậy các chức danh cụ thể nào trở lên được sử dụng xe công? 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: “Chỉ có hàm Tổng cục trưởng trở lên mới được có xe đưa đón”. Các chức danh này, với cung đường khi đi công tác, sẽ thực hiện khoán kinh phí theo hình thức tự nguyện. Ngoài ra, với các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến 1,25 chỉ được bố trí xe đi công tác mà không được đưa đón. “Điều đó có nghĩa các giám đốc Sở và tương đương sẽ không có xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại”, ông Trần Đức Thắng khẳng định.

Sẽ thừa 800 xe phục vụ công tác

Cho đến thời điểm này, hai địa phương là Đà Nẵng và Lâm Đồng đang xây dựng Đề án thực hiện mô hình tập trung toàn bộ số xe của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để giao cho một đơn vị quản lý. Tại các cơ quan trung ương, Bộ Tư pháp đang thực hiện quản lý toàn bộ xe ô tô theo mô hình tập trung về Văn phòng bộ để bố trí cho các chức danh, cơ quan, đơn vị sử dụng. Bộ Tài chính đánh giá: Nếu thực hiện phương án này, toàn bộ số xe phục vụ chức danh như nêu ở trên sẽ chuyển thành xe phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị (khoảng 800 xe), nhà nước sẽ không mua sắm, trang bị xe ô tô trong trường hợp bổ nhiệm mới đối với các chức danh kể trên. “Số lượng xe ô tô sẽ giảm hơn nữa nếu tất cả cùng đồng thuận thực hiện”, ông Thắng cho hay.

Theo tổng hợp ý kiến của các bộ ngành, địa phương, hiện có 68 ý kiến tham gia thống nhất việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Riêng Văn phòng Quốc hội và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị thêm, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cần có lộ trình. Trước mắt áp dụng “bắt buộc” khoán đối với cung đường đưa đón chức danh lãnh đạo từ nơi ở đến nơi làm việc. Đồng thời, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng T.Ư Đảng đề nghị quy định cụ thể mức khoán, như: kinh phí tối đa, số km tối đa…Tuy nhiên, có 15 ý kiến bộ ngành, địa phương đề nghị chưa nên khoán xe bắt buộc, như Bộ GTVT, Ngoại giao, Y tế, Ngân hàng Nhà nước, TPHCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cao Bằng, Lào Cai…. Lý do là nhiều nơi không có điều kiện thuê xe, đồng thời, các chức danh phục vụ công tác giữ vị trí quan trọng cần được phục vụ để đảm bảo công tác.

(còn tiếp)

 

 Chi phí bình quân cho một ô tô công hiện nay vào khoảng 310 triệu đồng/năm, bao gồm: lương, công tác phí cho lái xe khoảng 70 triệu đồng, nhiên liệu 100 triệu đồng, khấu hao xe 80 triệu đồng, bảo hiểm, chi phí sửa chữa… khoảng 60 triệu đồng. Cách đây chưa lâu, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, TS Trần Du Lịch, tính toán, lương trả cho một thứ trưởng hết hơn chục triệu đồng/tháng, nhưng chi phí cho chiếc xe công mà vị này đi gấp 3 lần.

 
Theo Khánh Huyền - Tuấn Đức
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”