Siết việc đăng ký kinh doanh “ôm đồm”

Có doanh nghiệp đăng ký cả ngành nghề du lịch, khách sạn, thương mại... nhưng chỉ kinh doanh dịch vụ photocopy!

Trong vòng một năm mà doanh nghiệp (DN) không kinh doanh ngành nghề đã đăng ký thì phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) để xóa ngành nghề này trong giấy chứng nhận đăng ký DN. DN nào không thực hiện sẽ bị xem là vi phạm.

 

Đây là một quy định nằm trong dự thảo thông tư hướng dẫn về ĐKKD mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi DN để lấy ý kiến góp ý.

 

Đăng ký quá nhiều

 

Nếu quy định này được thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến hầu hết DN. Bởi vì hiện nay hầu hết DN đều đăng ký khá nhiều ngành nghề nhưng chỉ kinh doanh một vài ngành nghề trong số đó mà thôi.

 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cho biết thực tế trước đây có một thời kỳ các DN đăng ký đến hai, ba trang giấy, tương đương vài chục, cả trăm ngành nghề. Thượng vàng hạ cám đều có cả, từ du lịch, khách sạn đến thương mại... đều đăng ký tất nhưng chỉ kinh doanh dịch vụ photocopy!

 

Vì vậy, trước đây từng xuất hiện một đề xuất là chỉ miễn phí đăng ký cho ba, bốn ngành nghề đầu. Từ ngành nghề thứ năm, sáu trở đi là tính phí, ngành nghề thứ bảy, tám thì phí gấp đôi, rồi gấp ba, cứ thế mà tăng lên. Làm vậy là để DN thấy tốn kém và tự cân nhắc, chỉ đăng ký những ngành nghề mình thực sự muốn kinh doanh. Do đó, nếu có ý định hạn chế sự đăng ký ngành nghề quá đà của DN thì nên xem xét lại cách trên.

 

Ông Doanh cũng cho rằng, việc ấn định thời hạn một năm không kinh doanh thì phải xóa ngành nghề là chưa hợp lý. Ví dụ, DN đăng ký ngành đồ gỗ, kinh doanh được hai năm thì kinh tế suy thoái, người dân lo cái ăn trước, cắt giảm chi tiêu mà đồ gỗ nội thất thường bị cắt giảm trước tiên. Trong suốt một năm DN không sản xuất thêm, không bán được cái giường, cái tủ nào mà bắt họ xóa ngành nghề là vô lý!

 

Siết việc đăng ký kinh doanh “ôm đồm” - 1
DN tìm hiểu thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

 

“Nếu cần thiết phải có số liệu về ngành nghề thực chất hoạt động để đánh giá thực tế kinh doanh, hoạch định chính sách... thì có thể dùng cách khác. Số liệu của ngành thuế cũng là một nguồn tham khảo” - ông Doanh gợi ý.

 

Ngại thủ tục bổ sung

 

Luật sư Lâm Quang Quý (Văn phòng luật sư Khai Quốc, TP.HCM) cho biết thông báo xóa ngành thì dễ, vấn đề là sau khi xóa, cơ hội kinh doanh đến, DN lại phải làm thủ tục bổ sung ngành nghề. Mỗi lần làm thủ tục này lại mất hơn một tuần, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì bị sở Kế hoạch và Đầu tư giữ trong thời gian làm thủ tục. Nói chung là DN gặp khó khăn, tốn thời gian, tốn công sức. Bổ sung ngành nghề xong có khi đã mất cơ hội kinh doanh!

 

Ông Quý cho rằng chính vì ngại thủ tục đăng ký bổ sung mà hiện nay khi đăng ký thành lập DN, người đăng ký mới kê ra thật nhiều ngành nghề cho bõ một lần công sức. Đăng ký xong, không kinh doanh thì cũng để ngành nghề đó dự phòng chứ không muốn xóa. Bắt DN xóa thì vừa mất công xóa, vừa mất công bổ sung lại. Do đó, luật sư Quý cho rằng không nên buộc DN xóa ngành nghề không kinh doanh.

 

Ông Quý cũng cho rằng đến một thời điểm nào đó, khi các thủ tục hành chính trở nên đơn giản, có thể thực hiện thật nhanh chóng, ví dụ như thực hiện dễ dàng trên mạng Internet, chỉ gửi thông báo chứ không cần đợi phản hồi cấp phép hay không... thì mới nên đặt lại vấn đề quản lý số lượng ngành nghề kinh doanh thực chất của DN.

 

Trước đây đã từng “siết”

 

Một điều thú vị mà phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết là quy định này từng tồn tại trước đây, trong Thông tư liên tịch 07 năm 2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê.

 

Phòng Đăng ký kinh doanh cho biết quy định trên nhằm phục vụ cho quản lý, quy hoạch trong nền kinh tế. Các chính sách, các quy hoạch đều dựa trên thực tế, gắn với các số liệu thống kê. Nếu đăng ký thật nhiều nhưng không kinh doanh thì số liệu thống kê được chỉ là số liệu “đăng ký” chứ không phản ánh nền kinh tế, không phản ánh đúng thực chất “kinh doanh”, gây ảnh hưởng lệch cho hoạch định chính sách.

 

Tuy nhiên, phòng Đăng ký kinh doanh cho biết rất hiếm DN thực hiện việc thông báo xóa ngành nghề này. Chỉ một số ngành đặc thù như ngành du lịch do có một số điều kiện kinh doanh ràng buộc nên Sở Du lịch lúc ấy cũng thường cập nhật danh sách DN có hoạt động và DN đăng ký ngành nhưng không hoạt động. Dựa trên thống kê của Sở Du lịch mà Sở Kế hoạch và Đầu tư có yêu cầu DN thực hiện xóa ngành nghề. Có thông báo thì DN mới đến.

 

Đến khi Thông tư 07 nói trên bị thay thế thì quy định này cũng bị bỏ. Tuy nhiên, quy định này hiện lại “tái xuất” trong dự thảo thông tư về ĐKKD. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cơ quan soạn thảo nên tham khảo ý kiến của các Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như cộng đồng DN về quy định trên để tránh gây khó khăn cho DN.

 

Theo Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM