Serbia vay Trung Quốc 715 triệu USD làm nhiệt điện, tự “rước họa vào thân”
(Dân trí) - Dự án nhiệt điện than trị giá 715 triệu USD của Trung Quốc tại Serbia đang làm tăng lo ngại về biến đổi khí hậu.
Mùi hôi thối nồng nặc luôn quẩn quanh trong không khí xám xịt của đất nước này. Người dân cũng hiếm khi mở cửa sổ vì mảng khói dày trút từ những ống khói khổng lồ của trạm điện đốt than chính của Serbia.
Nhưng mọi thứ chỉ ngày càng tồi tệ hơn cho những người dân sống gần khu phức hợp nhà máy nhiệt điện Kostolac đang được mở rộng với khoản vay trị giá 715 triệu USD từ ngân hàng nhà nước Trung Quốc và được xây dựng bởi một trong những công ty lớn nhất nước này.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột rút khỏi thỏa thuận Paris về giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu hồi năm 2017, Trung Quốc đột nhiên được coi là nhà vô địch trong cuộc chiến cắt giảm khí thải carbon và ngăn chặn thảm họa môi trường toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang giải quyết ô nhiễm tại nước nhà bằng cách thực hiện các dự án năng lượng tái tạo và giảm việc sử dụng than. Nhưng ở nước ngoài, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược khác.
Cụ thể, các công ty Trung Quốc là những nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong các dự án nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Trung Quốc tham gia xây dựng khoảng 1/5 nhà máy nhiệt điện than mới trên toàn thế giới, chủ yếu ở các nước dọc theo Sáng kiến “Vành đai, con đường” đầy tham vọng như một nỗ lực của Trung Quốc để tăng cường chính trị và ảnh hưởng kinh tế.
Mặc dù Bắc Kinh đã ban hành các hướng dẫn về đầu tư nước ngoài, kêu gọi thực hành thân thiện với môi trường, nhưng một lo ngại lớn hơn là các hướng dẫn này không ràng buộc và các nhà máy điện được xây dựng chủ yếu ở các nước đang phát triển có tiêu chuẩn phát thải ô nhiễm thấp, hoặc không hề có tiêu chuẩn quy định nào cả.
“Chính quyền trung ương Trung Quốc đã quy định rõ ràng rằng tất cả các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai, con đường” phải là các dự án xanh và phát thải khí carbon thấp. Vì vậy, tất cả các dự án công nghệ tiên tiến nhất đang được thực hiện để tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để đảm bảo giảm phát thải”, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề biến đổi khí hậu, ông Giải Chấn Hoa cho biết tại Bắc Kinh.
Bà Huang Wei, một nhà hoạt động về khí hậu và năng lượng của Greenpeace, cho biết Trung Quốc đang dư thừa than, vì vậy thị trường cho các công ty điện than "đang thu hẹp rất nhiều", khiến các công ty xây dựng Trung Quốc tìm kiếm các giao dịch sinh lời ở nước ngoài.
“Trung Quốc đang thực hiện đúng cam kết trong nước về giảm phát thải carbon. Nhưng kế hoạch đầu tư vào các nước thuộc sáng kiến “Vành đai, con đường”, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nhà máy điện than,… có thể có tác động khí hậu lớn hơn nhiều”, bà Wei nhận định.
Nhà phân tích năng lượng Misha Brkic nói Chính phủ Serbia “đang phạm một sai lầm nghiêm trọng” khi nhấn mạnh việc sử dụng than làm nhiên liệu để sản xuất điện thay vì tập trung vào năng lượng tái tạo.
“Đối tác được Trung Quốc chọn đều là những nước không có tiền và muốn được cung cấp công nghệ, nhưng cũng là những quốc gia muốn xây dựng các nhà máy điện hiện đại hoặc đổi mới các nhà máy hiện có mặc dù không có đủ kinh nghiệm, kiến thức và đôi khi cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu”, ông Misha nói.
Tập đoàn Kỹ thuật Máy móc Trung Quốc, tập đoàn đang mở rộng nhà máy nhiệt điện than tại Serbia đã liên tục từ chối bình luận về điều này.
Cư dân sống gần nhà máy nhiệt điện than Kostolac cho biết, phần lớn ô nhiễm đều đến từ vùng tro than non và mỏ lộ thiên sẽ được mở rộng hơn nữa khi nhà máy mới đi vào sản xuất.
“Khi chúng tôi giặt đồ giặt của mình, chúng tôi phơi đồ và sau đó 3 ngày, bạn sẽ thấy quần áo trắng đều chuyển thành màu đen”, Dejan Grujic, người dân sống gần nhà máy nhiệt điện than này nói.
Hồng Vân (Tổng hợp)