Dòng vốn rút từ Trung Quốc chạy sang Việt Nam: Cơ hội đi kèm với nỗi lo

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam...

Tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra sáng nay (4/12), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong các chủ đề được nhiều đại biểu tham dự quan tâm.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các nghiên cứu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm, dù ở mức độ khác nhau tùy theo kịch bản.

“Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế”, ông Hải nhận định.

Đáng lưu ý, theo Thứ trưởng Công Thương, việc xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng.

“Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn”, ông Hải nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại.

"Bản thân việc USD lên giá và rủi ro các nước khác phá giá nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính của Việt Nam”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, điểm đáng mừng theo ông Hải, đó là đến nay chúng ta đã xử lý khá hiệu quả một số tác động ban đầu qua kênh tỷ giá, thương mại, đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu có sự điều chỉnh, thích ứng để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu.

Ông Hải cho rằng, những kỷ lục về giải ngân đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại trong 11 tháng đầu năm 2018 - tương ứng đạt 16,5 tỷ USD và 6,8 tỷ USD – chính là minh chứng cho niềm tin ấy.

Cẩn trọng với dòng vốn dịch chuyển

Có bài tham luận tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Văn Lịch (Học viện Ngoại giao) cũng cho rằng Việt Nam có thể đón nhận những dòng vốn đầu tư, chuyển dịch sản xuất mới.

“Việc Mỹ áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu Việt Nam. Khi Mỹ áp thuế vào hàng hoá Trung Quốc, thì lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc sẽ yếu hơn của Việt Nam. Hệ quả tất yếu là các nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế, Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên hàng đầu”, ông Lịch nhận định.

Trên thực tế theo chuyên gia này, do căng thẳng thương mại, đến nay đã có nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đã và đang tìm cách rời khỏi nước này, chuyển sang thị trường mới trong đó có Việt Nam.

Có thể nêu ra một số ví dụ như: Đầu năm 2018, “hai gã khổng lồ” của Nhật Bản là Nitto Denko và Nikon đã rời khỏi Tô Châu; Panasonic, Sharp, Toshiba, Sony… cũng lần lượt rút khỏi Trung Quốc. Samsung sau đó cũng đóng cửa vào tháng 6/2018.

Tuy nhiên một điểm đáng lưu ý, theo ông Lịch, dòng vốn dịch chuyển sang Việt Nam có cả các doanh nghiệp Trung Quốc. Khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, thì có thể Mỹ sẽ có chế tài với hàng hoá được sản xuất bằng nguyên phụ liệu của Trung Quốc. Điều này sẽ bất lợi với hàng hoá Việt Nam.

Bên cạnh đó theo vị này, chiến tranh thương mại có thể là cái “cớ” để Tổng thống Trump tạo ra các rào cản, hoặc ưu đãi để khuyến khích các Tập đoàn Mỹ rút vốn về nước. Điều đó có thể dòng vốn đầu tư Mỹ vào Việt Nam chậm lại.

Cũng liên quan đến đầu tư, ông Lịch cho biết, có ý kiến cho rằng hiện nay Mỹ giảm nhập hàng Trung Quốc, tăng nhập hàng Việt Nam, nên các nhà máy ở Việt Nam sẽ mở rộng, gia tăng công suất. Khi chiến tranh kết thúc, nếu Mỹ quay sang mua hàng Trung Quốc thì Việt Nam sẽ rơi vào cảnh thừa công suất, giảm phát, hàng tồn kho tăng lên.

“Khó khăn sẽ chưa thể lường trước được”, vị chuyên gia đến từ Học viên Ngoại giao bày tỏ lo ngại.

Cùng quan tâm đến sự căng thẳng cuộc chiến thương mại, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định tác động cuộc chiến này là không nhỏ, không chỉ trực tiếp nó sẽ kéo theo không ít tác động gián tiếp. Các nhà đầu tư đôi khi phản ứng quá nhanh và quá mức khiến các quyết định đầu tư của họ bị ảnh hưởng.

“Trong khi ấy, thế giới đang chứng kiến xu hướng rút vốn khỏi những thị trường đang phát triển và mới nổi. Ngược lại một số nhà đầu tư có thể chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Giải pháp mà nhóm nghiên cứu CIEM đưa ra đó là Việt Nam phải không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Lựa chọn dự án FDI phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam là cần thiết, song cũng cần tránh nhìn nhận một chiều, kỳ thị quá mức đối với FDI.

Nguyễn Khánh

Dòng vốn rút từ Trung Quốc chạy sang Việt Nam: Cơ hội đi kèm với nỗi lo - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm