Seedcom khẳng định đã lấy lại quy mô doanh số sau 6 tháng đầu năm

Trường Thịnh

(Dân trí) - Dù vẫn ghi nhận lỗ ròng, nhưng ông Đinh Anh Huân - nhà sáng lập Seedcom - khẳng định doanh nghiệp đã lấy lại quy mô doanh số và kênh bán hàng bằng với năm 2019.

Theo bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2021, Seedcom ghi nhận lỗ sau thuế hơn 238 tỷ đồng, cùng với năm trước đó lỗ gần 193 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Seedcom liên tục gánh lỗ. "Dịch bệnh giai đoạn 2020 - 2021 đã kéo Seedcom đi lùi lại 2 năm", nhà sáng lập Đinh Anh Huân chia sẻ trong buổi trò chuyện mới đây.

Seedcom đã lấy lại quy mô doanh số và kênh bán hàng bằng với năm 2019

Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố báo cáo sơ bộ về tài chính 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 675 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp là hơn 314 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ.

Trừ đi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, Seedcom ghi nhận lỗ ròng hơn 287 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, chủ tịch Đinh Anh Huân cho biết, Seedcom đã lấy lại quy mô doanh số và kênh bán hàng bằng với năm 2019.

Sở hữu hệ sinh thái xoay quanh mảng bán lẻ gồm chuỗi cà phê The Coffee House, Kingfoodmart, thương hiệu thời trang Hnoss, Juno … Seedcom là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng diện rộng trong đại dịch Covid-19.

Seedcom khẳng định đã lấy lại quy mô doanh số sau 6 tháng đầu năm - 1

Ông Đinh Anh Huân - Người sáng lập Seedcom (Ảnh: Seedcom).

"Giai đoạn dịch bệnh, các công ty Seedcom đã rất khó khăn, nhiều tháng liền hầu như không có doanh thu nhưng chi phí hàng tháng vẫn rất lớn để duy trì mạng lưới điểm bán, duy trì đội ngũ nhân sự để cùng vượt qua khó khăn. Một số thời điểm chúng tôi không biết phải làm gì, hướng đi sắp tới sẽ ra sao? Nhưng chúng tôi có một niềm tin rằng khó khăn rồi sẽ đi qua. Suy nghĩ đó đã giúp chúng tôi nhìn nhận lại, từ đó tinh chỉnh mô hình kinh doanh, tập trung xây dựng đội ngũ và chuẩn bị những năng lực cần thiết để Seedcom có thể tăng tốc khi giai đoạn khó khăn đi qua", ông nói.

Sau đại dịch, Seedcom đã có sự rà soát và tái cấu trúc tại các đơn vị thành viên. Đơn cử với chuỗi cà phê The Coffee House, ông Huân cho biết đã tiến hành tinh chỉnh lại hoạt động, ra mắt các dòng sản phẩm mới nhằm đưa khách hàng trở lại thói quen dùng tại quán, đồng thời phân phối sản phẩm đa kênh.

Tại Seedcom Fashion (với thương hiệu Juno và Hnoss), đội ngũ nhân sự hiện đã sẵn sàng cho mục tiêu tăng tốc mô hình mới giai đoạn 2022-2023.

Hay với hệ thống siêu thị thực phẩm nhập khẩu Kingfoodmart, đến nay chuỗi đã đạt 15 siêu thị, theo kế hoạch sẽ tăng tốc vào năm nay và năm sau với mức tăng trưởng mục tiêu 100%/năm.

Kết quả, tại thời điểm đầu năm 2022, Seedcom đã lấy lại quy mô doanh số và kênh bán hàng bằng với năm 2019.

Mục tiêu 2022 - phục hồi, 2023 - tăng tốc

Năm 2023 là năm công ty đặt mục tiêu tăng tốc để tăng trưởng 100% quy mô doanh số, thu về mức lợi nhuận tốt, bù đắp khoảng thời gian đã mất trong 2 năm vừa qua.

"Nếu so sánh Seedcom với quá trình phát triển của một con người, Seedcom đang ở giai đoạn một cậu bé chuẩn bị bước vào tuổi teen. Cậu bé Seedcom đã được chuẩn bị đầy đủ cả về mặt thể chất và tinh thần để sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng tốc của tuổi dậy thì vào năm 2023, cũng như bước vào giai đoạn trưởng thành vào năm 2025", lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh.

Cụ thể, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng 500% cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, năm 2023 dự kiến sẽ có lợi nhuận.

Seedcom khẳng định đã lấy lại quy mô doanh số sau 6 tháng đầu năm - 2

CPG New Retail chính thức trở thành nhà phân phối sữa dê Kabrita ở thị trường Việt Nam (Ảnh: Seedcom).

Bên cạnh quyết tâm của đội ngũ, đại diện doanh nghiệp cho biết, thị trường với nhiều cơ hội mới sẽ là bệ phóng cho Seedcom thời gian tới. Kinh tế của ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam đặc biệt được nhấn mạnh khi đạt mức tăng trưởng nhanh nhất nhờ tiềm năng thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Bất chấp đại dịch, năm 2021 vốn FDI Việt Nam vẫn vượt mốc 31 tỷ USD, tiếp tục duy trì sự ổn định của nền kinh tế và nợ công ở mức dưới 60% GDP. Việt Nam cũng được đánh giá có triển vọng đầy hứa hẹn và sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng tới trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Đây là cơ hội rõ nét cho những công ty có năng lực cạnh tranh cùng khả năng thay đổi, thích ứng nhanh. Liệu Seedcom có khả năng học hỏi, thay đổi, thích ứng đủ nhanh trong môi trường ngày một cạnh tranh hay không? Seedcom có thể mang đến cho khách hàng của mình sản phẩm và trải nghiệm dịch vụ tốt hay không?

"Ở vai trò người dẫn dắt, tôi lo lắng liệu năng lực và khả năng học hỏi của bản thân có đủ để đưa Seedcom đạt mục tiêu tăng trưởng 500% hay không? Bởi, nếu tôi không thể phát triển bản thân nhanh hơn tốc độ phát triển của công ty thì mình sẽ trở thành cổ chai kéo lùi sự phát triển của công ty", ông Huân nhấn mạnh.

Mục tiêu tự tin cạnh tranh bán hàng đến nhiều quốc gia và châu lục khác vào năm 2025

Mới đây, New Retails CPG - thành viên mới của Seedcom - cũng được Ausnutria chỉ định là đối tác độc quyền trong việc kinh doanh sữa dê Kabrita tại Việt Nam. Với cột mốc này, Seedcom đặt mục tiêu sẽ khai thác thị trường sữa với quy mô hàng tỷ USD, tham vọng chiếm được 10% phân khúc cao cấp vào năm 2025. Đơn vị này cũng tiếp tục ký kết hợp tác để phân phối các sản phẩm giấy vệ sinh cao cấp và thân thiện môi trường, của thương hiệu PASEO, thuộc tập đoàn Asia Pulp & Paper (APP) Sinar Mas.

New Retail CPG là đơn vị mới thành lập của Seedcom, sứ mệnh là sản xuất - phân phối các sản phẩm cà phê, trà thương hiệu The Coffee House, Tearoma và đang gặt hái các thành công trong thị trường bán lẻ, đặc biệt trong mảng bán lẻ thương mại điện tử.

Chia sẻ thêm về sự ra đời của New Retails CPG, ông Huân cho biết, Seedcom tồn tại ở vai trò làm cấu nối sản phẩm giữa Việt Nam và thế giới; còn New Retails CPG được sinh ra để hiện thực hóa sứ mệnh trên.

"New Retails CPG tập trung xây dựng những sản phẩm, thương hiệu mà Seedcom tin rằng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để xuất khẩu ra thế giới như cà phê, quần áo, giày dép, phần mềm... Chiều ngược lại, công ty cũng là cầu nối mang những sản phẩm từ các nước mà người tiêu dùng Việt có nhu cầu sử dụng cao nhưng trong nước không có lợi thế sản xuất, ví dụ như sữa, thịt bò, cá hồi, phô mai…", ông nói.

Công ty cũng thành lập đơn vị Seedcom Logistics (Seedlog) đóng vai trò vận hành hệ thống kho bãi, vận tải để cung ứng dịch vụ quản trị hàng hóa cho các đơn vị kinh doanh trong Seedcom. Trong đó, ông cho biết, mục tiêu của Seedlog không nằm ở lợi nhuận, mà được sinh ra để cung ứng năng lực vận hành chuỗi cung ứng kho bãi, tồn kho, luân chuyển hàng hóa có tốc độ nhanh, chi phí hợp lý cùng năng lực vận hành ở quy mô lớn.

Không phải là một quỹ đầu tư, sứ mệnh của Seedcom, theo như ông Huân từng tuyên bố những ngày đầu, đang dần rõ nét. Chính là xuất khẩu được sản phẩm và dịch vụ Việt Nam ra nhiều nước khác, đây cũng ước mơ và niềm tự hào của con người và đội ngũ Seedcom.

"Hiện thực hóa việc này đòi hỏi Seedcom phải là một doanh nghiệp mạnh. Chúng tôi đang tăng tốc phát triển với tốc độ 500% trong vòng 5 năm tới để đến 2025, Seedcom có sản phẩm tốt, năng lực mạnh, tự tin cạnh tranh bán hàng đến nhiều quốc gia và châu lục khác", ông Huân chia sẻ.