Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Sẽ xử lý khoảng 105.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay”
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ sẽ khẩn trương đưa Công ty VAMC đi vào hoạt động. Đến cuối năm sẽ xử lý được khoảng 105 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.
“Bơm” 40.000 tỷ đồng vào nền kinh tế mỗi tháng
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế những tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, dư nợ tín dụng chuyển dịch theo hướng tốt hơn, tăng 2,98%...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng, kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, thực thi các chương trình hỗ trợ…
Hiện tại, Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án đã được phê duyệt. Khẩn trương đưa Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động để tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao (trên 3%). Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thành lập công ty quản lý tài sản của mình để xử lý nợ xấu. Phấn đấu đến cuối năm, sẽ xử lý được khoảng 105 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.
“Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có thêm khoảng 40 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế”, Phó Thủ tướng tính toán.
Sẽ "bơm" 40.000 tỷ đồng vào nền kinh tế mỗi tháng.
Về chính sách thuế và đầu tư phát triển, Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tổng số tiền thuế được giãn, hoãn, miễn, giảm trong năm 2013 ước khoảng 37,7 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, các Bộ ngành cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng; tăng cường thu hút và đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 33 - 35% GDP vào năm 2015. Năm 2012, con số này là 28,5%GDP.
Sử dụng nguồn lực Nhà nước từ doanh nghiệp cổ phần hóa?
Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn) TPHCM) đề nghị Quốc hội và Chính phủ cùng đồng thuận đưa ra chủ trương sử dụng những nguồn lực Nhà nước ở các đơn vị cổ phần hóa. Lấy ví dụ về một doanh nghiếp có vốn Nhà nước 45%, nhưng “vốn hóa hiện nay 51 nghìn tỷ, 2,5 tỷ USD. Tại sao không lấy tiền này để làm bệnh viện, trong khi bao nhiêu bệnh nhân đang nằm 3, 4 người một giường, nằm ở hành lang?”, đại biểu Lịch đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lịch, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đánh giá cao phát biểu của đồng chí Trần Du Lịch để chúng ta tận dụng nguồn lực, phát triển đất nước, không phải vay để trả lãi nhiều kể cả trong nước và ngoài nước”. Nhưng theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết Trung ương 3, khoá IX có nêu “số tiền thu được từ cổ phần hoá dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho hay: “Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến này của đồng chí Trần Du Lịch để báo cáo với Thủ tướng, báo cáo với Bộ Chính trị có biện pháp thu từ cổ phần hoá mà các doanh nghiệp Nhà nước không cần lắm để sử dụng số tiền này có hiệu quả nhất”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, vấn đề thu từ các doanh nghiệp cổ phần hóa, trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Hiền