Sẽ “quét” sạch các điểm bán mũ bảo hiểm vỉa hè
(Dân trí) - Mặc dù có tới 80% các vụ chấn thương sọ não đều do người tham gia giao thông dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng, song các sản phẩm này vẫn được bày bán tràn lan và đắt khách. Trong năm nay, tình trạng này sẽ được rà soát và dẹp bỏ.
Người tiêu dùng vẫn mua mũ bảo hiểm với tâm lý...đối phó công an là chính (ảnh minh họa).
Tại Diễn đàn “ Bảo vệ người tiêu dùng-Tăng cường đối thoại - Cải thiện kinh doanh” sáng 13/1, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, ông Nguyễn Phương Nam cho biết, sắp tới sẽ siết chặt tình trạng bán mũ bảo hiểm kém chất lượng đang “hiên ngang” bày bán trên vỉa hè.
Theo đó, “ngay sau hội thảo này, Cục sẽ yêu cầu ban 3 thực thống kê điều tra về tình trạng bán mũ bảo hiểm không chất lượng tràn lan từ ngoài vỉa hè đến các cửa hàng hiện nay” – ông Nam nói
.
.
Sau điều tra, Cục sẽ lập báo cáo trình lên Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công thương, từ đó yêu cầu các tỉnh, thành địa phương thực hiện nghiêm túc đối với kinh doanh mặt hàng mũ bảo hiểm.
Đây là vấn đề cần làm và phải làm. Bởi, thực tế, có tới 80% người bị chấn thương sọ não đều do nguyên nhân dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Mới đây, theo nguồn tin từ báo Công an TP HCM, trong cuộc họp triển khai kế hoạch cho năm an toàn giao thông 2012, UBND thành phố cũng đã giao cho Sở Công thương TPHCM ngay trong tháng 2/2012 phải phối hợp với lực lượng công an, UBND các quận, huyện, Sở Khoa học - Công nghệ lên kế hoạch cụ thể, có biện pháp ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán; kiên quyết dẹp những điểm sản xuất mũ bảo hiểm không đảm bảo quy chuẩn, kém chất lượng.
Hoạt động này sẽ được triển khai thường xuyên và nếu để tình trạng mua bán, sản xuất mũ bảo hiểm diễn ra bát nháo như hiện nay, từng đơn vị quản lý cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
Người tiêu dùng cố tình dùng hàng “rởm”, cơ quan chức năng cũng...chịu!
Hiện tại trên thị trường, mũ bảo hiểm có chất lượng “mắc” hơn rất nhiều so với những loại mũ thời trang bày bán la liệt dọc các tuyến phố. Một chiếc mũ bình thường đảm bảo chấn lượng rơi vào khoảng trên 100.000 đồng. Những loại mũ có thương hiệu hơn thì giá có thể đến tiền triệu.
Kể từ khi ban hành luật yêu cầu người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm thì hàng loạt những điểm bày bán mũ, nón bảo hiểm thời trang cũng mọc lên như nấm sau mưa. Giá các sản phẩm này chỉ độ 20.000 - 40.000 đồng/chiếc với đủ kiểu dáng và màu sắc, đặc biệt là được thiết kế tiện dụng với chất liệu “siêu nhẹ”.
Cùng với đó là vô số các điểm sửa quai, chốt cho các loại mũ chất lượng tốt với giá sửa từ 15.000-20.000 đồng, mức giá gần bằng một chiếc mũ “rởm”.
Tuy nhiên, kể cả khi ý thức được việc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ nguy hiểm tới tính mạng khi tham gia giao thông, người tiêu dùng vẫn lựa chọn sản phẩm vỉa hè, một phần vì rẻ, đẹp, thời trang và một phần vì tiện, chống chế với luật.
Trao đổi về vấn đề này với Dân trí, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh có cho biết, sẽ đề nghị Cục Quản lý thị trường của Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra.
Ông cũng lưu ý rằng, để “dọn dẹp” thật triệt để thì còn phụ thuộc vào ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước không thể nào có thể quản lý được hết tất các vụ việc như vậy.
“Người tiêu dùng có thể đủ ý thức để hiểu được chất lượng loại mũ đó thế nào nhưng vẫn sử dụng chỉ để đối phó với công an. Nó cũng tương tự như việc cướp gà tiêu hủy về ăn vậy. Tôi nghĩ là khó có cơ quan nào để có thể bảo vệ được trong những trường hợp như vậy” – ông Thành trần tình.
Ngoài ra, một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng là tình trạng gắn tem giả trên các sản phẩm chất lượng kém. Thực tế, thị trường trôi nổi rất nhiều những loại mũ bảo hiểm mang nhãn mác của các hãng uy tín, và chỉ cần dán kèm một chiếc tem giả chỉ với khoảng 2.000 đồng, bán sản phẩm với giá 20.000 đồng là thu hút được một lượng khách khổng lồ mỗi ngày.
Ông Vũ Văn Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận: “Nói thật là cũng rất là khó để biết đó là tem thật, tem giả hay không. Bởi tem giả bây giờ ở trên thị trường rất là tinh vi, cũng rất khó xác định.”
Như vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan nhà nước, thì ý thức của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã tiếp tay cho các cơ sở làm giả, làm ẩu mũ bảo hiểm xuất hiện và mở rộng địa bàn.
Theo đánh giá của Nguyễn Phương Nam, hiện ý thức về tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn còn rất thấp. Ông dẫn ví dụ so sánh, với 18 triệu dân, hàng năm ở Hà Lan có tới 3 triệu vụ kiện tiêu dùng, trong đó có 250.000 vụ phải nhờ đến cửa tòa án. Trong khi đó, ở Việt Nam với khoảng 80 triệu dân thì trong năm 2010 chỉ có hơn 1.000 vụ được xử lý, năm 2011 có “nhỉnh” hơn với 3.000 vụ. |
Bích Diệp