Sẽ làm rõ trách nhiệm lãnh đạo các tập đoàn thua lỗ, sai phạm

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, “mỗi thất thoát, mỗi một hiện tượng xã hội nào không tốt - từ một con tàu ra khơi bị chìm cho đến một máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan”.

Theo dõi toàn văn Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại đây
 
Nội dung chất vấn về trách nhiệm của Chính phủ trong việc quản lý hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sáng hôm nay (15/6) đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, truy vấn trong phiên đăng đàn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - thành viên cuối cùng của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề, trong những năm gần đây kinh tế nước ta luôn biến động trong tình trạng lúc lạm phát, lúc suy giảm làm tham nhũng, lãng phí xảy ra nghiêm trọng, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ông Thuyền dẫn những vụ việc điển hình như PMU18, Vinashin, Vinalines… đã gây bất bình trong dư luận. "Nhiều cử tri cho rằng, nếu không sớm hoàn thiện cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, không chống được tham nhũng lãng phí thì Việt Nam sẽ trở thành một nước khó phát triển chứ không phải là một nước chậm phát triển".

Từ đó, đại biểu tỉnh Lâm Đồng truy vấn trách nhiệm của Chính phủ và yêu cầu trình được giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Chinhphu.vn).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Chinhphu.vn).

Đáp lại chất vấn trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, “mỗi thất thoát, mỗi một hiện tượng xã hội nào không tốt - từ một con tàu ra khơi bị chìm cho đến một máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan”.

Theo đó, Chính phủ đã nhận thức được vấn đề này và đã phân công phân tích trong quá trình giải quyết. Đặc biệt, đã có chương trình quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để phát huy lực lượng quan trọng này trong phát triển đất nước và chống thất thoát, lãng phí thời gian tới.

Nợ xấu của DNNN thua lỗ chiếm tỉ lệ không cao

Các đại biểu sáng nay cũng băn khoăn về trách nhiệm của các lãnh đạo Bộ, ngành chủ quản trong việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước – lấy ví dụ về Vinalines, đến nay vẫn chưa rõ trách nhiệm thuộc Bộ nào.

Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng cũng cho biết , ngày mai, Thủ tướng sẽ nghe Nghị định thay thế Nghị định 132 về chấn chỉnh quản lý, có bất cứ tổn thất nào tài sản của nhà nước và của nhân dân thì sẽ nêu rõ trách nhiệm  Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của các Bộ theo quy định của Pháp luật.

Từ vụ việc tại Vinashin, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề xuất, cần phải tăng cường tính công khai minh bạch trong thực hiện và muốn tăng cường công khai minh bạch, Thủ tướng phải buộc 1 số Tập đoàn và Tổng công ty phải công bố thông tin giống như những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, phù hợp với sở hữu toàn dân, với xã hội hóa để cả xã hội đều có thể giám sát.

“Tôi nhớ Thủ tướng trong một số lần cũng đã đề cập và đồng tình, nhưng vì sao đến nay vẫn không làm mà chỉ khi thanh tra thì mới biết các tập đoàn, tổng công ty lãng phí những gì, đầu tư gì?” – đại biểu Lịch băn khoăn.

Về điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu tất cả các tập đoàn, tổng công ty cần công khai hoạt động trong thời gian tới. Ông cũng nhìn nhận, “Việc công khai minh bạch thông tin để Quốc hội, cử tri giám sát tốt hơn, góp phần chống tham nhũng tiêu cực”.

Vấn đề nợ xấu ngân hàng thương mại hiện nay đang là một vấn đề lớn đặt ra trong bài toán vĩ mô, nó là trở lực với khả năng hấp thụ vốn. Dư luận cho rằng, trong khoản đóng góp vào nợ xấu này có một phần thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay đầu tư không hiệu quả gây áp lực lên nợ xấu.

Ngoài ra, đại biểu Lịch cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng thương mại hiện nay, xem đó như một bài toán lớn của nền kinh tế, gây trở lực cho khả năng hấp thụ vốn. Điểm đáng lưu ý là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước lại đóng một phần lớn trong các khoản nợ xấu này do vay vốn nhưng đầu tư không hiệu quả.

Phó Thủ tướng cho hay, ông đã trao đổi với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, và khẳng định, tỉ lệ đóng góp vào nợ xấu chung của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ là không cao và không phải là nguyên nhân chính trong bức tranh nợ xấu của các ngân hàng.

ĐB Trần Du Lịch (ảnh QH).

ĐB Trần Du Lịch (ảnh QH).

Sẽ chú trọng làm rõ trách nhiệm cá nhân lãnh đạo

Trong phần trình bày trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, bên cạnh những đóng góp quan trọng với nền kinh tế, một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai còn thấp, một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật.

Theo đó, sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, mặc dù đã ban hành nhiều quy định về quản lý đối với DNNN nhưng nhiều cơ chế còn chưa khả thi, chưa đồng bộ, chưa phân định thật rõ trách nhiệm trong thực hiện quyền quản lý của chủ sở hữu. Công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao, việc phát hiện và xử lý các vi phạm còn chậm. Những yếu kém này thời gian tới sẽ được cơ quan điều hành khắc phục. Trước mắt, bổ sung, sửa đổi Nghị định hiện hành để quy định cụ thể hơn việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các tập đoàn và tổng công ty.

Kế hoạch của Chính phủ, sẽ ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Tăng cường trách nhiệm người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN. Hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước; xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp; thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên.

Việc làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng DNNN, đặc biệt là của Bộ quản lý ngành và cá nhân người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp sẽ được chú trọng. Thông qua cơ chế theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch sẽ kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng những sai phạm của lãnh đạo Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước mới được phát hiện gần đây đang được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bích Diệp