1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Sẽ kiểm toán xăng dầu về mặt tài chính”

(Dân trí) - Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Đinh Tiến Dũng cho biết: KTNN đang chuyển dần từ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán chuyên đề. Riêng lĩnh vực xăng dầu sẽ kiểm toán về mặt tài chính.

“Sẽ kiểm toán xăng dầu về mặt tài chính” - 1
Ông Đinh Tiến Dũng, Tổng KTNN (ảnh: NH).
 
Xin ông cho biết kết quả kiểm toán năm 2011?

Toàn ngành kiểm toán đã hoàn thành kế hoạch với 151/152 cuộc kiểm toán và qua kết quả tổng hợp sơ bộ, chúng tôi thấy kết quả kiến nghị tăng thu tổng hợp là 2.500 tỷ đồng và giảm thu ngân sách hơn 2.200 tỷ đồng.

Điều quan trọng hơn là qua kiểm toán có những cuộc trọng điểm đánh giá tính hiệu quả hiệu lực của nó như kiểm toán bình ổn giá xăng dầu, kiểm toán về EVN… Qua đó chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn để có liên quan như sắp xếp lại doanh nghiệp, điều chỉnh cơ chế chính sách, công tác tổ chức lại cán bộ. Những ý kiến này cũng đã được Chính phủ tiếp thu và chỉ đạo những bộ ngành có liên quan để thực hiện những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về những vấn đề này.

Ngoài ra còn một cuộc kiểm toán là kiểm toán quyết toán ngân sách theo quy định thì đang triển khai và sẽ báo cáo trước quốc hội tới đây…

Vậy mục tiêu nổi bật của kiểm toán năm 2012 khác gì so với năm 2011, thưa ông?

Kế hoạch kiểm toán năm 2012 của chúng tôi là tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao chất lượng của kiểm toán, tăng cường kiểm toán chuyên đề. Với mục tiêu như vậy thì định hướng nổi bật năm 2012 là bám sát nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ để tiến hành lập kế hoạch và đến nay chúng tôi đã hoàn thành việc lập kế hoạch, công bố quyết định 125 cuộc kiểm toán.

Trong đó, nổi bật nhất là ngoài việc kiểm toán thường xuyên báo cáo tài chính, báo cáo tuân thủ thì năm 2012 chúng tôi tập trung vào kiểm toán, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành; đặc biệt là trong công tác quản lý khoảng sản, phát triển nhà và đô thị, các quyết sách lớn của Chính phủ như cắt giảm đầu tư công, vấn đề tập trung về giảm nghèo.

Đây là vấn đề mà chúng tôi thấy phù hợp với những quyết sách của Chính phủ và như thế phải đi vào kiểm toán chuyên đề.

Kế hoạch kiểm toán năm 2012 thấy vắng bóng các tập đoàn, tại sao lại như vậy?

Không hẳn vắng bóng các tập đoàn. Trong kế hoạch này, chúng tôi đã xây dựng theo đúng quy trình của mình. Quy trình này đã được lấy ý kiến của đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Thủ tướng chính phủ và các bộ ngành có liên quan trong việc phối hợp. Khi xây dựng, chúng tôi có xây dựng kế hoạch kiểm toán nhiều hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, để tránh chồng chéo, có tập đoàn phải loại bỏ ra như Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam vì trùng kế hoạch với ban kiểm tra trung ương. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng với danh sách này thì phù hợp với năng lực và điều kiện hiện tại của Kiểm toán Nhà nước.

Trong kế hoạch kiểm toán về quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, chúng tôi không thấy KTNN đưa Tổng công ty khoáng sản Việt Nam vào danh sách?

Vấn đề này chúng tôi vừa hoàn thành kế hoạch kiểm toán sơn bộ trong năm 2011. Đây là vấn đề mà chúng tôi đang phải điểu chỉnh. Hiện Kiểm toán Nhà nước cũng vấn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng cũng phải thừa nhận đây là việc rất khó. Vì báo cáo tài chính của Tập đoàn than khoáng sản thì chỉ làm về tài chính nhưng bản chất tài chính của tập đoàn này khai thác, quản lý, chế biến và kinh doanh tài nguyên khoáng sản. Do đó chúng tôi chưa kiểm toán được. Nếu kiểm toán như vậy thì quyền hạn lại chuyển sang từ kiểm toán tài chính sang kiểm toán hoạt động.

Một trong những thay đổi căn bản của kiểm toán năm 2012 là thay vì kiểm toán hậu kiểm, KTNN bắt tay ngay vào kiểm toán những chương trình lớn của Chính phủ đang triển khai. Điều này mang lại lợi ích gì cho toàn xã hội, thưa ông?

Nếu để ý sẽ thấy số lượng kiểm toán năm 2012 so với năm 2011 tăng không nhiều. Năm 2011 là 151 cuộc, năm 2012 là 152 cuộc. Nhưng số lượng cuộc kiểm toán chuyên đề tăng vọt, năm 2011 chỉ có 5 cuộc nhưng năm 2012 là 16 cuộc.

Ngoài số lượng chuyên đề như vậy, chúng tôi cũng chỉ đạo các vụ chuyên ngành cũng như kiểm toán các địa phương, doanh nghiệp, bộ ngành về mặt tài chính thì phải lồng ghép để kiểm tra sâu hơn về công tác quản lý đất đai của địa phương và đơn vị.

Thứ hai là kiểm toán về phát triển nhà đô thị của các địa phương và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Ngoài ra có những kiểm toán chuyên đề rất lâu dài nhưng làm trong ngành, ví dụ như kiểm toán tình hình thực hiện nghị quyết 30A trong việc thực hiện giảm nghèo của các huyện nghèo…

Chúng tôi đang chuyển dần từ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ (hậu kiểm như làm năm 2012 nhưng kiểm toán niên độ của năm 2011) sang kiểm toán chuyên đề. Như vậy sẽ có tác dụng lớn đối với vấn đề qua kiểm toán để kiến nghị chính phủ về việc điều chỉnh các chính sách đang thực thi. Làm song hành như thế thì các thất thoát sẽ giảm, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn của Nhà nước, qua điểm toán sẽ tư vấn các cấp chính quyền, bộ ngành liên quan, các cơ quan liên quan, các tổ chức quản lý ngân sách sử dụng hiệu quả hơn.

Xin hỏi ông, KTNN sẽ kiểm toán các doanh nghiệp điện, xăng dầu như thế nào?

Năm nay, chúng tôi sẽ kiểm toán xăng dầu về phương diện tài chính. Năm 2011 chỉ làm chuyên đề về quỹ bình ổn giá xăng dầu. Điện lực thì đã làm về giá thành điện và qua đó kiến nghị với Chính phủ.

Chúng tôi đồng tình cao giá điện tiến tới phải theo giá thị trường, đồng thời phải có điều chỉnh giá điện. Còn cụ thể điều chỉnh thế nào, điều chỉnh bao nhiêu thì Chính phủ quyết định trên cơ sở cân đối vĩ mô và khả năng chi trả của người dân. Bởi lẽ, giá thành điện hiện nay so với giá bán so với sản xuất thủy điện thì có lãi nhưng giá điện mua ngoài của Trung Quốc, của tập đoàn than khoáng sản, tập đoàn dầu khí thì giá rất cao so với giá điện đang bán. Do vậy, chúng tôi cũng kiến nghị rằng cần phải thực hiện tăng giá điện theo cơ chế thị trường…

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi)