1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Sẽ không để bán sim như… rau muống”

(Dân trí) - “Ở ta chỗ nào cũng có thể bán sim di động, bán như rau muống, như thức ăn hàng ngày. Chúng tôi xin tiếp thu để quản lí chặt chẽ hơn các đại lí sim, từ đó có số thuê bao chính xác hơn, thành tích xác thực hơn…”

Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp trả lời về vấn đề quản lý thuê bao di động trong phiên chất vấn chiều 17/11.
 
Số lượng thuê bao nói lên thành tích của Bộ?
 
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu vấn đề, chống độc quyền cần có có nhiều doanh nghiệp và hiện nay chúng ta đã có Vinaphone, Mobifone, Viettel, EVN Telecom… cùng các doanh nghiệp nước ngoài sắp đầu tư. Tuy nhiên, gần đây một số đơn vị viễn thông cạnh tranh không lành mạnh như phá sóng, tranh giành vị trí đặt trạm BTS, nhắn tin rác vào nhau…
 
Đáp lại, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sẽ dẫn tới lãng phí, cạnh tranh không lành mạnh, ít doanh nghiệp lại dẫn tới độc quyền và chúng ta làm thế nào để tránh cả 2.
 
“Sẽ không để bán sim như… rau muống” - 1
Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp.
 
Theo ông, các nước Nhật Bản, Trung Quốc chỉ có 3, 4 doanh nghiệp làm viễn thông, chúng ta có nhiều doanh nghiệp nhưng quá trình phát triển sẽ tập trung, liên doanh, liên kết. “Cũng như trồng cây khi mới trồng thì trồng kín, sau đó cây nào phát triển mạnh sẽ để lại”, ông Hợp ví von.
 
Cũng theo ông, tuy nhiều doanh nghiệp nhưng thực tế hiện nay chỉ tập trung vào 3 doanh nghiệp và 3 doanh nghiệp này chiếm tới 80 - 85%  thị phần.
 
Về cạnh tranh không lành mạnh, ông Hợp cho biết, hiện có cả việc nhà cung cấp mạng, bán hàng dưới giá thành tại một thời điểm. Để loại bỏ thủ đoạn cạnh tranh này, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, Bộ đang bàn để sắp tới có thể triển khai giá sàn.
 
“Số liệu thuê bao nói lên vấn đề gì? Các thuê bao này hoạt động có phải để phản ánh thành tích của Bộ trong việc phát triển ngành viễn thông hay không? Thuê bao ồ ạt, cạnh tranh nhốn nháo, kiếm tiền bằng mọi cách chứ chưa phải để phát triển bền vững, tình hình này sẽ đi đến đâu? Chúng ta cần khuyến khích phát triển hay chấn chỉnh?” - đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) bắt tiếp vào vấn đề.
 
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, theo kết quả khảo sát của Bộ, hiện nay có 119 triệu thuê bao di động, với 113 triệu là di động trả trước và chỉ có 70% số thuê bao trả trước có hoạt động.
 
Bộ đang cố gắng thực hiện các cơ chế quản lí chặt hơn để hiệu suất sử dụng cao hơn. Theo ông  Hợp, tới đây, doanh thu trên một thuê bao cũng là một tiêu chí Bộ sử dụng để đánh giá các doanh nghiệp.
 
Chưa hài lòng, đại biểu Đặng Như Lợi truy tiếp: số thuê bao như vậy không phải là thành tích, Bộ vẫn đưa ra con số thống kê đó làm gì?
 
Ông Hợp thừa nhận, số lượng thuê bao tăng như vừa qua là không tốt. Bộ đang tìm biện pháp để tất cả đại lí bán sim phải căn cứ vào chứng minh thư trong giai đoạn chưa có chứng minh thư điện tử.
 
Chuyển sang vấn đề cước phí, đại biểu Cao Thành Vân (Bạc Liêu) phản ảnh tình trạng khách hàng bị tính cước gian lận, nhưng bằng chứng đưa ra thường được coi là… không phải bằng chứng.
 
Đáp lại, Bộ trưởng Hợp cho biết, ông mới được nghe điều này và đề nghị, nếu các đại biểu phát hiện cung cấp, Bộ sẽ kiểm tra xử lí nghiêm túc.
 
“Tôi nhận trách nhiệm để dân thiếu thông tin, hoang mang”
 
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) nêu vấn đề nhiều cử chi phản ánh các DN viễn thông xây dựng các trạm thu phát sóng di động BTS gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân. Ông Hiền muốn biết những đơn thư này đã được xem xét thấu đáo để trả lời dân?
 
Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp cho biết, cả nước hiện có 42.000 trạm BTS, trong đó nhiều nhất là của Viettel. Số lượng các trạm phát sóng như vậy, theo ông Hợp là không nhiều vì mỗi trạm chỉ đáp ứng được cho 250.000 thuê bao di động. Nếu phát triển thêm thị trường thông tin di động, triển khai thêm các mạng 3G, 4G, số lượng trạm phát sóng còn phải thêm nhiều.
 
“Sẽ không để bán sim như… rau muống” - 2
 
Với thông tin phản ánh, Bộ trưởng TT&TT khẳng định đã chỉ đạo kiểm tra 25.000 trạm, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn. “Còn mức độ phơi nhiễm sóng điện từ tại các trạm BTS là 2W/m2, nếu lắp đặt đúng thì đảm bảo không ảnh hưởng sức khỏe” - ông Hợp khẳng định.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) yêu cầu Bộ trưởng giải thích rõ các tiêu chí đo mức độ ảnh hưởng khi người dân sinh sống trong khu vực có trạm phát sóng xây dựng vẫn nêu những hiện tượng sức khỏe nguy hại có thật.
 
Bộ trưởng khẳng định, một số địa phương, người dân quả quyết các trạm BTS này ảnh hưởng đến cơ thể, gây đau đầu mệt mỏi nhưng khi đoàn kiểm tra xuống thì thậm chí trạm lắp đặt xong còn chưa hề hoạt động. Người quản lý lĩnh vực phán đoán có vấn đề về tâm lý trong dân.
 
Bộ trưởng KH-CN Hoàng Văn Phong cũng được yêu cầu tiếp sức người đồng cấp. Ông Phong phân tích sâu hơn, năm 2003, khi xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về vấn đề này, các cơ quan đã nghiên cứu mức độ điện từ phổ sóng vô tuyến cho tất cả các thiết bị thu phát cho tới máy điện thoại di động.
 
Kết quả ban đầu, dải tần số của sóng vô tuyến với công suất thiết bị các trạm BTS và các máy điện thoại di động thì chưa có bằng chứng khoa học cụ thể khẳng định có thể gây ảnh hưởng xấu, tác động đến sức khỏe con người.
 
Tham khảo tiêu chuẩn của các nước phát triển xây dựng, giới hạn an toàn độ phơi nhiễm sóng điện từ là 4W/kg cơ thể, cao hơn mức phơi nhiễm tại các trạm BTS tại Việt Nam hiện nay, sẽ không gây ung thư và không làm ung thư tiến triển.
 
Bộ trưởng KH-CN trấn an: “Có lo lắng về mặt tâm lý trong cộng đồng là do công tác tuyên truyền. Khi lắp đặt, vận hành trạm, nhà đầu tư đã không nói rõ về vấn đề này, mật độ các trạm phát sóng lại dày, gây bức xúc cho người dân”.
 
Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp đỡ lời: “Tôi xin nhận trách nhiệm này của mình với đại biểu vì trước đây lĩnh vực này do Bộ Bưu chính - Viễn thông quản lý thì thiếu thông tin thì còn chấp nhận được. Giờ Bộ TT&TT toàn quyền mà để dân thiếu thông tin, hoang mang, lo lắng thì không chấp nhận được”.
 
Cấn Cường - Phương Thảo
(Ảnh: Việt Hưng)