Sẽ không còn “khuyến mại ảo” trong ngày mua sắm Online Friday 2016

(Dân trí) - Theo khẳng định của ban tổ chức sự kiện, rút kinh nghiệm từ tình trạng doanh nghiệp khai vống thông tin giá gốc sản phẩm lên để tạo khuyến mại ảo, đánh lừa người tiêu dùng, trong ngày Online Friday diễn ra vào 2/12 năm nay, doanh nghiệp sẽ không được thay đổi giá gốc sản phẩm trong suốt thời gian diễn ra chương trình.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí tại cuộc họp báo ra mắt Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) 2016 diễn ra sáng nay (18/8) về vấn đề bảo mật trong giao dịch đặt mua trực tuyến sau những bê bối gần đây của một số ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Hưng – Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam thừa nhận, TMĐT của Việt Nam đang gặp trở ngại lớn là thanh toán trực tuyến, giao dịch mua sắm trên mạng không cao và tốc độ tăng trưởng không nhanh. Đây là điểm mà Ban tổ chức sự kiện muốn đẩy mạnh.

Từ bài học sự cố bảo mật thông tin của một số ngân hàng gần đây, Ban tổ chức sẽ đưa ra cảnh báo và phối hợp chặt chẽ hơn với ngân hàng là những đối tác tham gia chương trình để từ đó hướng dẫn người tiêu dùng trong thanh toán trực tuyến.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng đánh giá, những rủi ro trong mua sắm trực tuyến xuất phát từ lỗi khách hàng không phải là nhỏ và lỗi này tương đối phổ biến, như khách hàng truy cập những website không uy tín, lừa đảo; những biện pháp bảo vệ thông tin thẻ, thông tin cá nhân chưa đầy đủ.

“Chúng tôi sẽ có cảnh báo về vấn đề này đề các ngân hàng và doanh nghiệp tham gia Ngày mua sắm trực tuyến, đồng thời đảm bảo sự kiện diễn ra an toàn”, ông Hưng quả quyết.

Online Friday là chương trình giảm giá quy mô lớn nhất năm đối với giao dịch trực tuyến tại Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp
Online Friday là chương trình giảm giá quy mô lớn nhất năm đối với giao dịch trực tuyến tại Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp

Tại cuộc họp báo, đại diện một doanh nghiệp thanh toán tham gia chương trình cho biết, năm nay sẽ nghiên cứu hỗ trợ công cụ thanh toán để người tiêu dùng không phải nhập thông tin thẻ trong quá trình mua bán hàng, qua đó giảm rủi ro cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, một vấn đề cũng được đặt ra đó là xảy ra tình trạng “khuyến mại ảo” trong Ngày mua sắm trực tuyến 2015, cụ thể, các doanh nghiệp đẩy “vống” giá trị sản phẩm lên mức cao rồi treo khuyến mại giảm giá 50-70% nhằm hút người dùng.

Tuy nhiên, theo khẳng định của Ban tổ chức, tình trạng này năm nay sẽ khó xảy ra. Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục TMĐT cho biết, để ngăn chặn tình trạng khuyến mại ảo xuất hiện như những năm trước, Ban tổ chức đưa ra yêu cầu đối với các đơn vị tham gia phải công bố mức giá gốc 1 ngày trước Online Friday. Mức giá này là mức giá niêm yết cố định và không được thay đổi trong toàn bộ quá trình diễn ra chương trình.

Qua đó, người tiêu dùng sẽ có thời gian và cơ sở để so sánh giá khuyến mại mà doanh nghiệp đưa ra với mức giá bình quân trên thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế tình trạng gian lận khi đẩy giá lên rồi giãn biên độ % giảm giá trong chương trình – một hình thức đánh lừa người tiêu dùng.

Đại diện từ websosanh cũng lên tiếng cảnh báo đối với những doanh nghiệp tham gia chương trình không nên gian lận, bởi mặc dù với 200.000 sản phẩm trong chương trình, rất khó kiểm soát toàn bộ, nhưng đơn vị này sẽ hỗ trợ người tiêu dùng thông qua cung cấp lịch sử giá của các sản phẩm. Từ đó, người tiêu dùng sẽ biết được liệu có hay không việc gian lận về khuyến mại.

Tại cuộc họp báo, một doanh nghiệp đặt câu hỏi, trong trường hợp doanh nghiệp muốn chỉnh sửa thông tin sản phẩm khi chương trình đã diễn ra thì sẽ phải làm thế nào, ông Nguyễn Thanh Hưng lập tức khẳng định, công tác chuẩn bị hàng hóa, các doanh nghiệp phải lo liệu từ trước, từ mức giá cho đến số lượng sản phẩm tham gia.

Một khi chương trình đã diễn ra thì ngoại trừ thông tin khuyến mại, còn lại mọi thông tin khác của liên quan đến sản phẩm đều không được chỉnh sửa, bao gồm cả giá sản phẩm, để tránh tình trạng doanh nghiệp đẩy giá gốc lên nhằm thực hiện khuyến mại ảo như trước đây.

Mặt khác, điều này cũng phần nào tránh sự cố “sập server” nhưng từng xảy ra trong năm 2015 do lượng truy cập quá lớn.

Về chất lượng sản phẩm tham gia chương trình, bà Lại Việt Anh cho biết, mục tiêu của Ngày mua sắm trực tuyến 2016 đó là có 50.000 sản phẩm khuyến mãi được đảm bảo bởi ban tổ chức trong tổng số 200.000 sản phẩm khuyến mãi của hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia chương trình, mang lại tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Như vậy, có khoảng 150.000 sản phẩm không được ban tổ chức dùng uy tín để đảm bảo.

Theo lý giải của bà Việt Anh, 50.000 sản phẩm nói trên là của những doanh nghiệp lớn và đã đồng hành cùng chương trình từ nhiều năm. Ban tổ chức chỉ duyệt thông tin doanh nghiệp tham gia và không thể kiểm tra từng đơn vị sản phẩm khuyến mại trong chương trình, tuy vậy sẽ có cơ chế để người tiêu dùng giám sát vào “báo xấu” lên ban tổ chức các trường hợp vi phạm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, với những doanh nghiệp gian lận bị phát hiện và được người tiêu dùng tố cáo, ngoài khoản phạt hành chính thì hình phạt lớn nhất đối với doanh nghiệp chính là bị tổn thất uy tín, nhất là khi tính lan truyền về thông tin ngày càng mạnh mẽ thông qua báo chí và mạng xã hội, blogs.

Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday sẽ diễn ra trong 24 giờ ngày thứ 6, 2/12/2016.

Bích Diệp