Sẽ khôi phục lại trạm cân trọng tải trên quốc lộ?

(Dân trí) - Bộ GTVT đang xem xét kết quả thí điểm 2 trạm cân ở Đồng Nai và Quảng Ninh để trình Chính phủ khôi phục các trạm cân trọng tải xe trên những tuyến quốc lộ huyết mạch.

Thông tin này được Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định với Dân trí trong cuộc trao đổi bên lề buổi lễ ký kết "Dự án hợp tác kỹ thuật về nâng cao năng lực bảo trì đường bộ" do JICA tài trợ.

 

Hiện nay có nhiều tuyến đường bộ trên cả nước đang bị xuống cấp trầm trọng. Trên toàn bộ hệ thống đường bộ Việt Nam thì có khoảng 2/3 số đường cần được bảo dưỡng. Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?

 

Hệ thống đường bộ Việt Nam trong thời gian qua đã được phát triển về diện (tức là chiều dài) và được nâng cấp nhiều tuyến. Tuy nhiên, hiện tại nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp nhiều, chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là công tác bảo dưỡng bảo trì đường bộ còn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế do hạn chế về kinh phí hàng năm, việc tổ chức thực hiện công tác bảo trì, ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.

 

Từ tháng 10/2009, Bộ Giao thông Vận tải đã đề cập đến đề án thành lập một Quỹ Bảo trì Đường bộ, tuy nhiên cho đến nay, đề án vẫn chỉ nằm trên giấy. Ông có thể cho biết về tiến độ triển khai kế hoạch này?

 

Sau khi Luật Giao thông Đường bộ được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (khi đó là Cục Đường bộ Việt Nam) xây dựng đề án hình thành Quỹ Bảo trì Đường bộ.

 

Kể từ năm 2009 đến nay, tổng cục đã lấy ý kiến của các ban ngành địa phương liên quan đến việc thành lập quỹ. Chính phủ đã chủ trì họp nhiều lần yêu cầu các bộ ngành có ý kiến về đề án này. Cơ bản các bộ ban ngành đã nhất trí với đề án. Trên cơ sở đồng thuận này, chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn tất dự thảo nghị định Quỹ Bảo trì Đường bộ và các thông tư liên quan để trình chính phủ trong thời gian tới.

 

Bộ Giao thông Vận tải đã trình sáu bản dự thảo về đề án này cho chính phủ và dự kiến sẽ trình bản dự thảo nghị định cuối cùng vào tháng 8, sau khi đã lấy ý kiến của người dân và ban ngành. Hy vọng nghị định sẽ được thông qua vào cuối năm 2011 và dự kiến có hiệu lực vào 1/7/2012.

 

Đây là một quỹ mới dự kiến được hình thành các nguồn thu các nhau như thông qua xăng dầu, đầu phương tiện, vì vậy, cần thiết phải trải qua thời gian nghiên cứu, tham khảo việc thành lập quỹ của các nước khác. Hơn nữa việc thu phải tránh được sự chống chéo với các phương thức thu khác, ví dụ, xăng dầu cũng là một trong các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

 

Xe quá tải là một trong những nguyên nhân gây xuống cấp nhiều tuyến đường quốc lộ. Để hạn chế tình trạng này thì việc xây dựng các trạm cân trọng tải xe là hết sức cần thiết. Ông có thể cho biết về tình hình thực hiện việc lắp đặt các trạm cân này?

 

Xe quá tải là một trong những nguyên nhân gây xuống cấp nhiều tuyến quốc lộ. Hiện tại chúng tôi chưa có con số bao nhiêu % số xe vượt tải vì hoạt động của các trạm cân trọng tải xe được tạm dừng từ năm 2003, nên chúng tôi không có số liệu chính thức về số xe quá tải. Tuy nhiên, theo thông tin từ các trạm cân tại các cảng, và phiếu xuất kho về chuyên chở hàng hóa, chúng tôi thấy có nhiều xe quá tải lưu hành trên nhiều tuyến quốc lộ.

 

Theo yêu cầu của chính phủ, chúng tôi đã triển khai hai trạm cân thí điểm ở Dầu giây (Đồng Nai) và một trạm cân ở Quảng Ninh. Sau khi đưa vào sử dụng khoảng 2 năm, chúng tôi đã thu được một số kết quả tích cực. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét các kết quả này để trình Chính phủ về khôi phục việc lắp đặt trạm cân trên các tuyến quốc lộ huyết mạch.

 

Mới đây đoàn công tác của Ngân hàng ADB đã có chuyến khảo sát cho việc xúc tiến thành lập hệ thống trạm cân trên các tuyến đường bộ xuyên Á trong đó có nhiều tuyến đường bộ Việt Nam. ADB đề nghị các nước có sử dụng vốn vay của họ để xây dựng đường xuyên Á sẽ phải lắp đặt các trạm cân trên tuyến này. Tuy nhiên chúng tôi chưa có buổi làm việc chính thức với ADB cũng như chưa đưa ra bản thảo chi tiết về điều này.

 

Theo ông ngành giao thông cần làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống đường bộ?

 

Tôi cho rằng vai trò của các địa phương rất quan trọng. Để quản lý đường bộ hiệu quả cần có sự tham gia của toàn xã hội để hạn chế tình trạng lấn chiếm hành lang và lưu thông tràn lan của xe quá tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

 

Bên cạnh đó cần thực thi phát luật nghiêm minh hơn nữa để xứ lý hành vi lấn chiếm hành lang. Các địa phương phải sát sao quản lý từng hộ dân chứ lực lượng quản lý đường không thể quản lý từng hộ lấn chiếm.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký kết Dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực bảo trì đường bộ với khoản viện trợ không hoàn lại 4,3 triệu đô của Chính phủ Nhật Bản.

 

Dự án sẽ được triển khai trong 2,5 năm bắt đầu từ giữa năm 2011. Dự án không tập trung vào những công nghệ bảo dưỡng sửa chữa đường bộ thông thường như công nghệ rửa đường, đổ nhựa đường, thoát nước… mà đưa vào ứng dụng công nghệ mới về công nghệ thông tin quản lý và theo dõi tình trạng của hệ thống đường bộ.

 

Dựa trên các dữ liệu được nhập vào, hệ thống sẽ phân tích và đưa ra đánh giá về hiện trạng mức độ hư hỏng của đường, nhu cầu sửa chữa theo các cấp độ và dự trù ngân sách cho việc bảo trì đường bộ.

 

Nam Hằng (thực hiện)