Sẽ giải thể SCIC nếu để thua lỗ kéo dài

(Dân trí) - SCIC có vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng và sẽ được bổ sung trong quá trình hoạt động. Với mục tiêu là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, SCIC sẽ bị giải thể nếu để thua lỗ kéo dài…

Đây chính là một trong những điểm chú ý tại Dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mà Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến. Sau khi hoàn tất lấy ý kiến, điều lệ này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Theo dự thảo, mục tiêu hoạt động của SCIC là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước thông qua việc làm chủ sở hữu và đại diện vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, SCIC sẽ có hoạt động trong các lĩnh vực chính như: đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước.

Trong đó, SCIC tiếp nhận và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do Tổng công ty tiếp nhận và trực tiếp đầu tư; tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành; đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, SCIC cũng sẽ đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhà nước nắm giữ quyền chi phối; Đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật... và các nhiệm vụ khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

SCIC có vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng và sẽ được bổ sung trong quá trình hoạt động. Khi có sự thay đổi vốn điều lệ, Tổng công ty phải điều chỉnh vốn điều lệ trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và công bố theo quy định của pháp luật.


SCIC có vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng và sẽ được bổ sung trong quá trình hoạt động.
SCIC có vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng và sẽ được bổ sung trong quá trình hoạt động.

Cũng theo dự thảo, Tổng công ty có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý theo quy định của pháp luật; thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điều lệ này.

Cùng với những cơ chế đặc thù như trên dự thảo cũng quy định: SCIC sẽ bị giải thể trong các trường hợp như: Kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn; Không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết; Việc tiếp tục duy trì Tổng công ty là không cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ sẽ là người ra quyết định giải thể Tổng công ty theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục giải thể Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của SCIC gồm có: Hội đồng thành viên; Kiểm soát viên; Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc Tổng Giám đốc; các đơn vị hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trong đó, Hội đồng thành viên SCIC có 7 thành viên, có nhiệm kỳ 5 năm.

Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của Tổng công ty theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

Do đó, Tổng Giám đốc sẽ bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp như: Bị tòa án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Không trung thực trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính Tổng công ty; Không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do người bổ nhiệm hoặc người thuê giao…

An Hạ