Sẽ dàn xếp để thoát vụ kiện tôm

Một nguồn tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam đang xem xét thỏa thuận với Liên minh Tôm miền Nam của Mỹ (SSA) trong việc xem xét hành chính thuế chống bán phá tôm hàng năm.

Theo nguồn tin này, thoả thuận cần đạt được với SSA là các DN tôm Việt Nam sẽ không tham gia xét lại mức thuế hàng năm, ít nhất là trong 5 năm, sau đó rút dần khỏi vụ kiện. Thuế chống bán phá giá của các DN sẽ giữ nguyên như hiện nay nếu ở mức thấp. Với DN bị áp thuế cao, đương nhiên họ sẽ tham gia xem xét lại (review) hàng năm. 

Tuy nhiên, quá trình thỏa thuận cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, phức tạp vì vụ kiện tôm liên quan đến 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Brazil, Ecuador và Ấn Độ, với vài trăm công ty tôm bị ảnh hưởng.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, đến 10/2007, Tu chính án Byrd - động cơ chính để SSA tiến hành khởi kiện nhằm thu được khoản tiền lớn để hỗ trợ ngành tôm trong nước khỏi bị thiệt thòi bởi tôm nhập khẩu, sẽ chính thức hết hiệu lực. Do vậy, SSA sẽ không tiếp tục nhận được khoản tiền này nữa. Vài năm qua, liên minh này đã nhận được trên 100 triệu USD. 

Chính vì thế, SSA sẽ tiếp tục duy trì việc xem xét hành chính mỗi năm với các DN xuất khẩu tôm của 6 nước nhằm mục đích đẩy mức thuế lên. Việc này làm cho các DN chế biến, xuất khẩu tôm rất mất thời gian, tiền bạc và công sức. Việc một số DN đạt được thỏa thuận với SSA năm 2006 (không phải xem xét hành chính, chỉ phải trả cho bên nguyên một khoản nhất định) đã giúp các DN bớt "đau đầu", nhưng cũng chỉ được một năm. 

Vừa qua, theo Seafood.com, SSA cũng đã tiến hành thỏa thuận với Hiệp hội phân phối thủy sản Mỹ (ASDA). Nội dung cơ bản của thỏa thuận là các nhà nhập khẩu tôm từ các nước bị đánh thuế sẽ đồng ý với việc trả tiền trực tiếp cho ngành tôm nội địa Mỹ. Đổi lại, SSA sẽ chấm dứt vụ kiện chống bán phá giá và các thủ tục pháp lý khác. 

Tính hợp lý ở đây là sự trao đổi này sẽ có lợi cho cả ngành tôm Mỹ, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu. 

Ngành tôm nội địa Mỹ được lợi là có một khoản tiền để phân chia một cách công bằng và minh bạch. Khoản tiền này có thể dài hơn thời hạn tháng 10/2007 đối với các khoản chi trả theo Tu chính án Byrd.

Các nhà nhập khẩu có lợi là thỏa thuận tập thể sẽ tăng tính chủ động nguồn hàng cho thị trường tôm. Các DN sẽ được phép cạnh tranh trên cơ sở giá trị và dịch vụ sản phẩm hơn là phụ thuộc vào khả năng đàm phán để làm sao đạt mức thuế thấp nhất. Như vậy, nhiều khả năng thị trường tôm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, lành mạnh và năng động động hơn đối với tất cả các bên tham gia.

Tuy nhiên, những tiến triển mới đây đã cho thấy khó có khả năng đi đến thỏa thuận. Cái chính là trong năm nay, SSA yếu kém hơn và gần như mất khả năng gây ảnh hưởng đối với các nhà nhập khẩu bằng việc đe dọa có các đánh giá tiêu cực về xem xét mức thuế.

Trước tiên, tòa án đã phán quyết về phương pháp “triệt tiêu” (zeroing), điều này có nghĩa là hầu hết các trường hợp kiện chống bán phá giá hiện nay dựa trên cơ sở tính toán được quyết định là phi lý. Điều này sẽ tạo thêm sức mạnh cho các nhà nhập khẩu kháng án đối với các nhận định bất lợi. 

Thứ hai, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tuyên bố năm nay, họ chuyển sang biện pháp truyền thống là lựa chọn các công ty để xem xét hành chính sẽ dựa trên các tiêu chí thông lệ như: ở từng nước, các công ty đó phải là công ty lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. DOC sẽ không sử dụng phương pháp chơi xổ số để chọn những nhà xuất khẩu vô danh và làm ăn chớp nhoáng để xem xét, vì nó sẽ ảnh hưởng đến mức thuế của cả nước đó. 

Việc này sẽ làm mất khả năng SSA đe dọa các nhà nhập khẩu.

Theo Hà Yên
Vietnamnet