1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

SCIC sẽ thoái vốn tại loạt "ông lớn" Nhà nước trong năm nay

An Linh

(Dân trí) - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn năm nay.

Đáng chú ý, trong danh sách này có hàng loạt tên tuổi lớn như Tập đoàn FPT, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Nhựa Tiền Phong...

Trong số 88 doanh nghiệp năm nay, có nhiều "ông lớn" đã nằm trong danh sách thoái vốn các năm trước như FPT (danh sách thoái vốn các năm 2019, 2020); Tập đoàn Bảo Việt (2020), Tập đoàn Dệt may.

SCIC sẽ thoái vốn tại loạt ông lớn Nhà nước trong năm nay - 1

Sabeco và FPT cùng nhiều "ông lớn" khác phải thoái vốn năm nay (Ảnh minh họa)

Cụ thể, "ông lớn" FPT có vốn điều lệ lớn nhất với hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó SCIC sở hữu gần 6%, tương ứng 460 tỷ đồng; Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có vốn điều lệ hơn 6.400 tỷ đồng, vốn SCIC sở hữu là hơn 36%, tương ứng khoảng 2.300 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt có vốn điều lệ hơn 6.800 tỷ đồng, vốn SCIC nắm giữ hơn 3,26%, tương ứng hơn 221 tỷ đồng; Tổng Công ty Sông Đà có lẽ là đơn vị mà SCIC nắm giữ vốn lớn nhất với gần 99,8%/vốn điều lệ, tương ứng khoảng 4.480 tỷ đồng.

Tập đoàn Dệt may có vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, vốn SCIC nắm giữ gần 53,5%, tương đương khoảng 2.600 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, kết thúc giai đoạn 2016-2020 cả nước có 178 doanh nghiệp cổ phần hóa, tuy nhiên kết thúc năm 2020 còn có 91 doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về thoái vốn, giai đoạn này, các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thoái vốn hơn 27.200 tỷ đồng, thu về hơn 177.000 tỷ đồng; các tập đoàn Tổng công ty Nhà nước thực hiện thoái vốn hơn 16.900 tỷ đồng, thu về cho ngân cho ngân sách hơn 53.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra khá chậm, không đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa khá khăn do nhiều doanh nghiệp có tài sản đất đai, tài sản riêng khác nhau.

Về chậm thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết, nhiều đơn vị hiện vẫn chưa đủ hồ sơ, chưa xác lập quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nên chưa thể thực hiện thoái vốn. Một số doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình thoái vốn, nhất là với các đơn vị có dự án thua lỗ, không có nhà đầu tư mua.

Hàng năm, Bộ Tài chính vẫn nêu tên, đốc thúc doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, thoái vốn và yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể người đứng đầu. Tuy nhiên, việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa vẫn diễn ra chậm cho dù nguyên nhân do người đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp đã được chỉ ra, nhưng các cơ quan chủ quản vẫn chậm trễ, xử lý trách nhiệm và sợ sai phạm.