SCIC đã chọn được nhà thầu tư vấn bán 9% vốn điều lệ tại Vinamilk
(Dân trí) - Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa cho biết, đã lựa chọn xong nhà thầu tư vấn bán 9% vốn điều lệ của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
SCIC đã lựa chọn đơn vị tư vấn để bán cổ phần là Liên danh tư vấn gồm: Công ty Morgan Stanley Asia (Singapore) Limited (Morgan Stanley), Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn (SSI), Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Việt Nam (VinaCapital), trong đó Morgan Stanley là tư vấn đứng đầu Liên danh.
"Việc lựa chọn Liên danh tư vấn được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu. Liên danh tư vấn sẽ tư vấn tổng thể phương án bán vốn, định giá khởi điểm, tư vấn tổ chức giới thiệu tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các thủ tục liên quan để tổ chức bán cổ phần", SCIC cho biết.
Ngày 5/10/2016 SCIC đã ký hợp đồng tư vấn tài chính với Liên danh. Giá trị thương vụ này không được các bên tiết lộ.
Theo SCIC, việc lựa chọn Liên danh tư vấn bao gồm các tổ chức tài chính có uy tín trong và ngoài nước sẽ đảm bảo việc thực hiện bán phần vốn nhà nước tại Vinamilk một cách công khai, minh bạch, hiệu quả và chống lợi ích nhóm theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Liên quan tới việc bán vốn Nhà nước tại Vinamilk, trao đổi với báo chí chiều ngày 23/9, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, việc thực hiện thoái vốn tại “con bò sữa tỷ đô” này sẽ phải thực hiện theo lộ trình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước và đảm bảo ổn định phát triển cho doanh nghiệp.
“Vinamilk là doanh nghiệp lớn, việc thoái vốn có thể ảnh hưởng tới xã hội, thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Do đó, trong năm nay, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn đợt 1 tại doanh nghiệp này với mức thoái vốn 9%, con số này đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư và nếu bán theo lô thì cũng đảm bảo hiệu quả về giá”, ông Chi cho biết.
Theo lãnh đạo SCIC, về cách thức thoái vốn tại Vinamilk, sau khi chọn được tổ chức tư vấn, SCIC sẽ làm việc thêm để xem xét bán trọn lô, chào giá cạnh tranh và giao dịch thoả thuận nhằm đạt mức giá cao hơn khống chế theo quy định.
“Kỳ vọng sẽ bán được giá cao nhất có thể, càng cao càng tốt. Trong quá trình làm việc với tư vấn, chúng tôi sẽ đưa ra mức giá sàn và chắc chắn không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đó. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Vinamilk sẽ không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà chào bán công khai, khi bán cũng không đặt ra giới hạn nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, cá nhân hay tổ chức miễn là có tiềm lực tài chính”, ông Chi nói.
Ông Chi cũng cho biết, mức giá khởi điểm khi bán vốn sẽ căn cứ vào giá tham chiếu trên thị trường và tính toán các yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra là tính toán mức giá phù hợp chứ khó bán cho nhà đầu tư cao hơn giá trị thật vì họ chuyên nghiệp nên kì vọng công khai minh bạch.
Hiện SCIC đang sở hữu 44,7% vốn tại Vinamilk. Theo truyền thông quốc tế đưa tin trước đó, hiện Fraser & Neave Ltd. (F&N), tập đoàn đồ uống của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, hiện đã sở hữu 10,9% vốn Vinamilk và đang có ý định tiếp tục gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam này. Hiện người của F&N đã có một ghế trong HĐQT VNM.
Tại một cuộc họp báo cuối ngày 14/9, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính - cũng cho biết, SCIC đã lên kế hoạch và sẽ bắt đầu bán vốn của Vinamilk ngay trong năm 2016.
Phương Dung