1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

SBS chính thức rời sàn, VN-Index mất liền 10 điểm trong phiên

(Dân trí) - Diễn biến đầy kịch tính trong phiên cuối tuần, VN-Index đã có lúc vượt ngưỡng 500 rồi lại lao dốc về 490 điểm. SBS khép lại chuỗi 22 phiên giảm sàn liên tục bằng 1 phiên đứng giá tham chiếu lần cuối cùng trước lúc rời sàn TPHCM.

SBS chính thức rời sàn, VN-Index mất liền 10 điểm trong phiên
Giữa lúc thị trường giao dịch cầm chừng thì cổ phiếu SBS vẫn được mua mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng.

Phiên giao dịch cuối tuần (22/03), nhà đầu tư trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi VN-Index bất ngờ vọt tăng lên mốc kỷ lục 2 năm rồi cũng lao dốc đầy bất ngờ, đánh mất 1,8 điểm tương ứng 0,37% xuống còn 489,99 điểm vào cuối phiên. 

Như vậy chỉ trong vòng 1 phiên giao dịch, biên độ giao dịch của VN-Index đã lên tới 10 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index mở rộng biên độ giảm, đóng cửa mất 0,56 điểm tương ứng giảm 0,91% xuống còn 60,93 điểm.

Nếu HSX có 169 mã giảm, gấp gần 3 lần số mã tăng thì con số này trên HNX là 138 mã, gấp 2 lần số mã tăng điểm.

Một số nhà đầu tư cho rằng, với mức giảm hiện tại của hai chỉ số sẽ là thời điểm thuận lợi cho việc mua vào những cổ phiếu triển vọng. Thế nhưng thực tế lại cho thấy, phần lớn dòng tiền vẫn đang trong tư thế chờ đợi, bên mua chưa thật sự xông xáo và dẫn đến thanh khoản toàn phiên dù đã có tiến triển những vẫn chỉ đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Cụ thể, HSX có 54,5 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 992 tỷ đồng; HNX có 40,9 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 317 tỷ đồng.

Tại phiên giao dịch cuối cùng trên HSX, cổ phiếu SBS của Chứng khoán Sacombank bám trụ mức tham chiếu 900 đồng/cp sau 22 phiên giảm sàn liên tục. 

Diễn biến giao dịch cổ phiếu SBS trong vòng 1 năm.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu SBS trong vòng 1 năm.

Nhìn vào biểu đồ cũng có thể thấy, SBS đã từng có giai đoạn tăng mạnh bắt đầu từ đầu tháng 12 năm ngoái, tăng trần liên tục từ mức giá 900 đồng đến 3.400 đồng, tương ứng gần 280%.

Tuy nhiên, đến ngày 23/02, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM công bố quyết định hủy niêm yết SBS. Thông tin này đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và hoạt động chốt lời diễn ra trên diện rộng.

Thế nhưng, có một điểm đáng chú ý là trong phiên giao dịch cuối cùng, cổ phiếu này vẫn được mua khá mạnh, khớp lệnh đạt 737,47 nghìn cổ phiếu.

Trở lại với thị trường ngày hôm nay, VN30-Index mất 4,55 điểm tương ứng 0,81% khi chỉ có 2 mã tăng điểm là MSN và VNM, 1 mã đứng giá là EIB, còn lại đều đồng loạt đỏ sàn.

Những cổ phiếu mất điểm mạnh là BVH, DRC, DPM và HSG. Trong khi đó, dù cùng tăng 2.000 đồng/cp song 2 mã vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn không thể bẩy thị trường tăng theo do số lượng mất giá áp đảo hơn hẳn.

CTG mất 200 đồng/cp và là mã được mua mạnh nhất tại VN30 phiên này. Khớp lệnh tại CTG toàn phiên đạt gần 3 triệu đơn vị, một số mã khớp khá là OGC và REE. Còn lại phần lớn khớp lệnh dưới 1 triệu cổ phiếu trong phiên.

Trên HNX30, nhóm SCR, PVX và SHB khớp hơn 6 triệu cổ phiếu và là những mã có thanh khoản dẫn đầu thị trường, tuy nhiên so với trước đó, lực mua đối với các mã này đã giảm trông thấy.

Khối ngoại tăng mua ở PVS với 476,7nghìn cổ phiếu. Hiện cổ phiếu này giảm nhẹ 100 đồng và đang có thị giá 14.300 đồng. Các mã khác như ITA, PVX, VCG, EIB, HPG tiếp tục hút dòng tiền ngoại.

Qua quan sát những phiên giao dịch gần đây, rõ ràng là những thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô đã tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, song điều thị trường chờ đợi có lẽ vẫn là một cam kết bằng hành động nhằm khắc phục các hạn chế của nền kinh tế hiện nay.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm