1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia:

Sau vụ cháy chung cư, nhiều người mới giật mình tìm hiểu bảo hiểm cháy nổ

Thảo Thu

(Dân trí) - Nhiều khách hàng chỉ bắt đầu quan tâm đến loại hình bảo hiểm cháy nổ sau khi có sự cố đáng tiếc xảy ra. Bảo hiểm cháy nổ ít được quan tâm hơn so với bảo hiểm sức khỏe, xe cộ...

Vụ cháy chung cư mini số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người chết, 37 người bị thương, là vụ hỏa hoạn gây tổn thất về người nhiều nhất trong 21 năm qua.

Sau nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng trên, hàng loạt ý kiến trên các diễn đàn cho rằng cơ quan chức năng cần rà soát lại các hoạt động liên quan đến phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, trong đó có việc kiểm tra xem các chung cư đã mua đủ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hay chưa.

Quy định chủ sở hữu chung cư phải đóng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã được nhắc tới ở các văn bản Luật như Nghị định 23/2018, Nghị định 97/2021, Nghị định 136/2020… Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm cháy nổ và mối quan tâm của người dân đến loại hình bảo hiểm này chưa thực sự sôi động.

Không biết căn hộ của mình đã có bảo hiểm cháy nổ hay chưa

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt - chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm tại FIDT - tổ chức chuyên về quản lý gia sản - đồng tình việc nhiều người chỉ quan tâm đến bảo hiểm cháy nổ sau vụ cháy chung cư mini đáng tiếc xảy ra tại quận Thanh Xuân.

Sau vụ cháy chung cư, nhiều người mới giật mình tìm hiểu bảo hiểm cháy nổ  - 1

Chung cư mini bị cháy tại Thanh Xuân (Ảnh: Mạnh Quân).

"Cũng không nhiều người hiểu đúng và đủ về bảo hiểm cháy nổ", ông Việt nói. Nhiều cư dân chưa hiểu được tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này khiến quyền lợi của chính họ không được bảo vệ khi có sự cố đáng tiếc xảy ra.

Lượng người chủ động mua loại hình này từ công ty bảo hiểm này năm qua khá khiêm tốn. Một số người phản ánh trước nay mua bảo hiểm cháy nổ theo thế bị động.

Ngọc Hoa (27 tuổi, TPHCM) nói từng không hài lòng do nhân viên ngân hàng đề cập phải mua bảo hiểm cháy nổ khi đến vay vốn mua nhà chung cư. "Sau vụ việc trên, tôi lại thấy được bảo vệ hơn, sắp tới trả hết nợ ngân hàng tôi cũng sẽ chủ động mua", Hoa nói.

Trước câu hỏi phải chăng do sự cố về cháy nổ nhà chung cư những năm trước xảy ra ít và hậu quả không nghiêm trọng như lần này nên loại hình bảo hiểm này vẫn chưa nhận được người dân quan tâm, ông Việt cho rằng người dân đang ưu tiên bảo vệ con người hơn bảo vệ vật chất.

"Dòng sản phẩm chủ đạo của các công ty cũng là bảo vệ sức khỏe. Chưa kể, cùng là bảo vệ tài sản nhưng người dân lại ưu tiên mua bảo hiểm cho ô tô", ông cho hay. Theo ông, khách hàng có tư duy cháy nổ là hy hữu, chưa cần ưu tiên, nếu có tiền sẽ dùng cho việc khác trước.

Sau vụ cháy chung cư, nhiều người mới giật mình tìm hiểu bảo hiểm cháy nổ  - 2

Cận cảnh bên trong căn chung cư mini bị cháy tại Thanh Xuân (Ảnh: Mạnh Quân).

Cần đánh giá lại tài sản và có phương án bảo vệ

Bảo hiểm cháy nổ chung cư là sản phẩm bảo vệ tài sản của cư dân khỏi những mất mát và hư hại khi xảy ra cháy nổ. Quyền lợi của cư dân khi tham gia bảo hiểm cháy nổ chung cư là sẽ được chi trả những chi phí liên quan đến tổn thất căn hộ trong phạm vi bảo hiểm đề cập. 

Chuyên gia này cho rằng bảo hiểm cháy nổ chung cư là cần thiết. Chỉ cần một khoản chi phí nhỏ, cư dân đã đảm bảo được tài sản của mình, tránh tình trạng "trắng tay" khi không may xảy ra hỏa hoạn.

Song không phải ai cũng hiểu rõ về loại hình bảo hiểm này. Nghị định 97/2021 quy định tất cả nhà chung cư, khách sạn, nhà nghỉ từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Mức phí bảo hiểm bắt buộc này được áp dụng là 0,05% một năm giá trị tài sản phải đóng bảo hiểm bắt buộc đối với nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) và 0,1% một năm đối với nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler).

So với quy định tại Nghị định 23/2018 thì mức phí bảo hiểm không thay đổi nhưng đã thêm đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Quy định trước đó chỉ quy định đối với nhà chung cư, nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ.

Đơn cử, nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động, phí đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là 1,5 triệu đồng/năm; nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường theo mức thiệt hại thực tế nhưng tối đa 3 tỷ đồng.

Còn nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động, phí đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là 1,5 triệu đồng/năm; nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường theo mức thiệt hại thực tế nhưng tối đa 1,5 tỷ đồng.

Ngoài bảo hiểm bắt buộc, cư dân cũng được khuyến khích mua bảo hiểm tự nguyện để đảm bảo thêm quyền lợi cho gia đình và tài sản. Khi không may có sự cố xảy ra, doanh nghiệp sẽ đánh giá và chi trả cho thiệt hại thực tế.

Sau vụ cháy chung cư, nhiều người mới giật mình tìm hiểu bảo hiểm cháy nổ  - 3

Chung cư mini tại Thanh Xuân sau đám cháy (Ảnh: Mạnh Quân).

"Khách hàng cần đánh giá lại tất cả tài sản đang sở hữu, tài sản lớn cũng nên có dự phòng bảo vệ tài sản của mình, bên cạnh bảo vệ sức khỏe", ông Việt nói.

Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý đến câu chuyện cần mua nhà có pháp lý rõ ràng. "Công ty bảo hiểm sẽ không bán sản phẩm bảo hiểm cho những căn nhà, chung cư vi phạm các quy định về xây dựng", ông nhấn mạnh.

"Đồng thời, nếu căn nhà không đáp ứng được biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm gần nhất thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm cũng sẽ không chi trả", ông nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm