1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sau một năm bỏ thuế với EU, người Việt vẫn "khát "hàng giá rẻ châu Âu

An Linh

(Dân trí) - Sau một năm Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi, thương mại hai chiều vẫn tăng rất chậm. Kỳ vọng của người Việt mua hàng giá rẻ từ châu Âu vẫn khá xa vời.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn quá nhỏ bé so với kỳ vọng và mức tăng thương mại hai chiều chỉ đạt hơn 3,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 6, kim ngạch thương mại của Việt Nam với 17 nền kinh tế lớn hàng đầu EU là Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, Bỉ... đạt hơn 24 tỷ USD, tăng hơn 3,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Sau một năm bỏ thuế với EU, người Việt vẫn khát hàng giá rẻ châu Âu - 1

Xuất khẩu của Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội bỏ thuế từ thị trường EU (Ảnh: Hiệp hội thủy sản Việt Nam).

Hàng Việt đi EU nhiều hơn, hàng EU khó vào Việt Nam

Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng hơn 2,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với EU rất chậm. Bằng chứng là hàng nhập khẩu từ EU chỉ có mỗi Đức là có kim ngạch trên 1 tỷ USD, các đối tác lớn khác đều chỉ loanh quanh vài trăm triệu USD đến dưới 1 tỷ USD.

Về xuất khẩ, tình hình có khả quan hơn, song kim ngạch không cao nổi trội dù cho hơn 85,6% dòng thuế hàng xuất từ Việt Nam được EU dỡ bỏ thuế nhập khẩu.

Cụ thể, hàng Việt vào các thị trường như Đức trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch hàng xuất vào Hà Lan đạt cao nhất hơn 3,88 tỷ USD, tăng hơn 680 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Với các đối tác khác như Ý, hàng Việt chỉ xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước; hàng xuất sang Pháp đạt 1,56 tỷ USD, giảm 10 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng xuất sang Bỉ đạt hơn 1,7 tỷ USD tăng 700 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Bỉ là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất của hàng Việt trong 6 tháng qua.

So với các đối tác xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, các nền kinh tế thành viên EU hiện đứng thứ 4 về kim ngạch trong 6 tháng qua và dư địa xuất nhập khẩu còn rất lớn mà doanh nghiệp hai bên chưa thể khai thác tốt được.

Về thị trường, hiện Trung Quốc là thị trường thương mại số một của Việt Nam trong 6 tháng qua với tổng kim ngạch đạt 54,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 19,6 tỷ USD, nhập khẩu 34,7 tỷ USD, nhập siêu thương mại hơn 15,1 tỷ USD; Mỹ là đối tác lớn thứ 2 với hơn 38,5 tỷ USD, nhập khẩu hơn 7 tỷ USD hàng hóa, xuất khẩu hơn 31,5 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 24,5 tỷ USD.

Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 3 với tổng kim ngạch gần 30 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chỉ hơn 9,1 tỷ USD, nhập khẩu hơn 20,8 tỷ USD, nhập siêu lớn 11,7 tỷ USD.

Thị trường duy nhất có kim ngạch thương mại tăng trưởng

Điều đáng khích lệ là kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam - EU trong 6 tháng qua tăng nhẹ, trong khi kim ngạch với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều giảm.

Cụ thể, kim ngạch thương mại sang Trung Quốc giảm 23 tỷ USD, Mỹ giảm 14,6 tỷ USD, Hàn Quốc giảm 5,7 tỷ USD, Nhật Bản và Thái Lan đều giảm hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Sau một năm bỏ thuế với EU, người Việt vẫn khát hàng giá rẻ châu Âu - 2

Hàng hóa EU xuất sang Việt Nam vẫn lèo tèo, chủ yếu là xe ô tô, hàng thực phẩm đóng gói (Ảnh minh họa).

Thương mại với các nước nói trên giảm đều cả ở mặt xuất khẩu và nhập khẩu, trong đó nhập khẩu giảm chủ yếu từ Trung Quốc (giảm 18 tỷ USD hàng nhập), Hàn Quốc (giảm 4,5 tỷ USD hàng nhập).

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được Quốc hội chính thức phê duyệt từ tháng 6/2020. Trong đó hai bên cam kết cắt giảm và có lộ trình cắt giảm thuế quan đối với các hàng hóa thông thường vào thị trường của nhau.

Cụ thể, đối với EU, hơn 85,6% số dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ được 27 nước thành viên EU xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực như giày dép 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được bỏ thuế sau khi EVFTA có hiệu lực.

Đối với Việt Nam, hàng xuất khẩu từ EU, Việt Nam cam kết ngay khi EVFTA có hiệu lực, hơn 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU) sẽ được bỏ thuế nhập khẩu.

Mặc dù EU là thị trường cực lớn, nơi hứa hẹn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, cùng việc cắt giảm thuế quan mạnh mẽ, song dường như doanh nghiệp Việt thời gian qua vẫn chưa khai thác được triệt để.

Theo một số chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), thị trường EU rộng mở song tiêu chuẩn cao về xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nhà xuất khẩu "tay bo" - chuyên xuất hàng thô, sơ chế sẽ không có cửa trực tiếp vào thị trường này mà phải qua bên trung gian. Điều này cần thời gian dài để thay đổi, nâng cao chất lượng đóng gói, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Về hàng nhập khẩu, dĩ nhiên hàng EU không có tính đối kháng với hàng Việt. Điều này là lợi thế, song giá cao, đòi hỏi tính sở hữu trí tuệ từ khâu phân phối đến nhượng quyền thương hiệu, đóng gói, lắp ráp. Trong khi đó, Việt Nam còn yếu kém trong vấn đề này, cần thời gian khắc phục.