1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Khiến người tiêu dùng chịu thiệt, nên bỏ từ lâu!

(Dân trí) - Sự tồn tại và vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia không ít lần lên tiếng cho rằng nên sửa Nghị định 83 và bỏ hẳn quỹ bình ổn trong cơ chế vận hành.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Khiến người tiêu dùng chịu thiệt, nên bỏ từ lâu! - 1

Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên bỏ bởi hàng loạt bất cập?

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo VINPA, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi" bởi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ. 

Bên cạnh đó, VINPA cũng cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới, hiệp hội này

Kể từ khi được vận hành đến nay, chủ đề về sự tồn tại và vai trò của quỹ BOG xăng dầu vẫn luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia nhiều lần góp ý nên loại bỏ quỹ này trong cơ cấu giá xăng bởi nó khiến giá mặt hàng này bị “bóp méo” so với giá thực.

TS Nguyễn Minh Phong - một chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng đề xuất bỏ hẳn quỹ bình ổn giá xăng dầu - cho rằng: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực sự không giống ai cả. Quỹ bình ổn này có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, rất dễ thất thoát vì không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo thôi, rất khó kiểm soát”.

"Đây vẫn tiền của dân và trả qua lại như vậy dân chẳng có lợi gì. Ngay cả thị trường cũng không có lợi bởi việc xả và trích quỹ làm cho giá xăng dầu méo mó, không đúng với giá thị trường nữa. Quỹ này nên bỏ từ lâu rồi”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phong, để thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích người tiêu dùng thì phải dùng nguồn khác lập quỹ, chẳng hạn như trích lại một phần lợi nhuận.

"Các doanh nghiệp xăng dầu khác nhau sẽ sở hữu lượng Quỹ BOG khác nhau, nghịch lý là có khi trích quỹ cả năm nhưng chỉ xả một vài kỳ điều hành đã âm quỹ, điều đó cho thấy cơ quan điều hành giá đang lạm dụng Quỹ BOG, làm nhiễu loạn thị trường, chỉ có thiệt cho người tiêu dùng", ông thẳng thắn.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, người tiêu dùng gần như không được hưởng lợi mà còn phải ứng trước tiền cho quỹ này bởi bản chất của quỹ chỉ là "kìm" việc tăng giá trong một thời gian nhất định, sau đó giá sớm muộn cũng sẽ được điều chỉnh.

"Việt Nam đã hội nhập sâu rộng thì cần phải chấp nhận cuộc chơi theo cơ chế thị trường, giá cả mặt hàng xăng dầu cũng theo đó để điều chỉnh", ông Doanh bình luận.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, một trong những vấn đề liên quan tới quỹ BOG còn ở tính minh bạch thông tin. Hiện nay, đa phần người dân không biết việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như thế nào, cơ chế ra sao. Chưa kể không loại trừ trường hợp, các doanh nghiệp có thể “lợi dụng” Quỹ BOG để hưởng lợi.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý dường như lại có cách lý giải ở góc độ khác.

Tại một cuộc họp báo diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, khẳng định với riêng quỹ bình ổn, ý kiến cá nhân mong muốn “bỏ càng sớm càng tốt” nhưng ông Hải cũng cho biết: "Trong cuộc họp gần đây nhất, Chính phủ đã đưa ra bàn và thống nhất hiện nay khi Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường nên vẫn cần vai trò quản lý nhà nước".

Trước đó, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28/3/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu - Phó ban Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu có tính toán cả âm và dương, nếu âm thì doanh nghiệp được bù luôn lãi suất, ví như doanh nghiệp chi bù số tuyệt đối sau 1 lít xăng bình quân là 10 thì được cộng lãi thành 11. Lãi thì tăng vào số thu của quỹ mà lỗ thì tăng vào số chi của quỹ để quyết toán vào quỹ, sao cho tổng cộng cuối cùng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng, không có ai bị thiệt".

"Nguyên tắc của Quỹ là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. Cho nên, đây không phải là can thiệp hành chính, đây chính là biện pháp kinh tế, tức là mình lấy nó nuôi nó và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Nếu đợt vừa qua khi giá điện tăng, giá xăng cũng tăng sẽ gây sốt lạm phát kỳ vọng, sẽ bị cộng hưởng rất mạnh”, ông Hiếu cho biết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là biện pháp điều hành kinh tế, việc điều hành giá cần phải có sự tổng thể, hài hòa theo tín hiệu thị trường. Bộ Tài chính và Bộ Công thương là những đơn vị có kinh nghiệm trong việc điều hành giá xăng dầu.

"Việc tính lợi ích cho doanh nghiệp đã được tính toán kỹ, đều được tính bù vào cho doanh nghiệp. Thông tin không chính xác sẽ gây hoang mang cho dư luận, mặc dù những lần điều chỉnh vừa rồi có sự đồng thuận cao của xã hội", Phó Thủ tướng nói.

Phương Dung