Sau 20 năm, “vua bồn inox” lại tiếp tục khởi nghiệp

(Dân trí) - Có mặt trên thị trường từ 1998, đã 20 năm kể từ khi những chiếc bồn inox - sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Sơn Hà ra đời. Đến nay, Sơn Hà đã trở thành nhà sản xuất dân dụng và công nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Sau 20 năm, “vua bồn inox” lại tiếp tục khởi nghiệp - Ảnh 1.

Tập đoàn này tiếp tục “khởi nghiệp” với những sản phẩm mang tính chiến lược dài hơi, phát triển bền vững và có tính “hàn gắn” môi trường, như năng lượng tái tạo, cung cấp giải pháp nước sạch, giải pháp xử lý nước thải…

Nước uống tại vòi để đảm bảo sức khoẻ và tiết kiệm tài nguyên

Về ngành nước, hiện nay Sơn Hà đã có các dòng sản phẩm máy lọc nước RO với màng lọc nhập khẩu từ Hàn Quốc và Mỹ. Song máy lọc nước RO mới chỉ đáp ứng được nhu cầu xử lý nước ở quy mô nhỏ, nên từ lâu, Sơn Hà đã “ấp ủ” giải pháp lọc nước trên quy mô lớn, có thể cung cấp nước sạch cho cả vùng dân cư rộng lớn. Đó cũng là lý do để khi nhà nước hướng đến cổ phần hoá các công ty cung cấp nước sạch, Sơn Hà đã mua lại cổ phần của nhà máy nước Hà Đông và một số nhà máy nước khác.

Khi thành phố Hà Nội có chủ trương cung cấp nguồn nước sạch có thể uống tại vòi cho người dân, Sơn Hà đã cử các cán bộ đi nhiều quốc gia để tìm hiểu về công nghệ lọc nước ưu việt được áp dụng tại các nước tiên tiến. Ông Vũ Ngọc Điệp – PGĐ Trung tâm R&D (Research and Development – nghiên cứu và phát triển), người trực tiếp phụ trách các vấn đề về ngành nước của Tập đoàn Sơn Hà cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu và đưa vào ứng dụng thử nghiệm nhiều công nghệ của nhiều nước khác nhau, Sơn Hà đã mất cả trăm tỉ đồng cho những lần thử nghiệm công nghệ trước đó nhưng đều không đạt được mục đích tối ưu như đã đặt ra. Hai mươi năm qua, anh Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người sáng lập Tập đoàn Sơn Hà luôn tâm niệm làm bất cứ sản phẩm nào cũng phải làm thật và làm chuẩn; nên dù mất nhiều thời gian và tiền bạc mà chúng tôi đâu dám bỏ sót bất cứ khâu nào, dù là nhỏ nhất. Cho đến khi tìm được giải pháp Chemiless (không sử dụng hoá chất) từ tập đoàn Nagaoka của Nhật Bản, thì Sơn Hà đã có quyết định cho hướng phát triển ngành nước”.

Theo đó, với công nghệ lọc nước hoàn toàn không hoá chất của tập đoàn Nagaoka, lượng nước thải đi trong quá trình lọc chỉ dao động ở mức 5-7% (trong khi mức nước thải của máy lọc nước RO là hơn 30%). Với công nghệ lọc nước này, các chất độc hại trong nước ngầm như kim loại nặng, Asen, Amoni…được loại bỏ và người sử dụng có thể uống trực tiếp tại vòi, nước sử dụng đạt chuẩn nước sạch của Nhật Bản. Ông Điệp không hề giấu giếm: “Ở nước ta, nhiều chung cư cao cấp mua nước sinh hoạt với giá trung bình 7000đ/m3, họ lọc qua máy lọc nước RO và bán lại cho các hộ với mức giá 15.000-18.000đ/m3.Chúng tôi chấp nhận bán ra với giá hoà vốn trong 5-7 năm để người dân thấy được hiệu quả và lợi ích từ nguồn nước mà Sơn Hà cung cấp. Chất lượng nước sạch nói chung và nước sạch ở các đô thị lớn nói riêng hiện nay là vấn đề rất đáng lo lắng vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người dân”.

Ngoài lọc nước tại vòi, Sơn Hà còn đang triển khai một dự án hợp tác với một đối tác khác của Nhật Bản, để cung cấp giải pháp lọc nước thải sinh hoạt tổng trước khi xả ra môi trường. Theo công nghệ này, nước thải sau khi lọc qua Johkasou sẽ đạt tiêu chuẩn nước loại B và không còn gây ảnh hưởng môi trường.“Nước sinh hoạt liên quan trực tiếp đến người dân và vấn đề môi sinh, nên chúng tôi không thể vì giá thành cao và gặp nhiều khó khăn mà bỏ ngỏ. Hơn nữa, đây lại là lĩnh vực gần như không có đơn vị tư nhân nào làm, nên Sơn Hà quyết tâm phải làm bằng được”.

Sau 20 năm, “vua bồn inox” lại tiếp tục khởi nghiệp - Ảnh 2.

Hướng đến năng lượng tái tạo.

Một hướng “khởi nghiệp” quan trọng của Tập đoàn Sơn Hà là hướng đến nguồn năng lượng tái tạo. Hướng đi này trên thực tế là phát triển năng lượng điện mặt trời mà Sơn Hà đã tạo dựng trên Thái dương năng và sản phẩm Pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, bước tiến mới sẽ là quy mô lớn hơn rất nhiều. Các năng lượng tái tạo - sản xuất điện từ mặt trời, Sơn Hà đang hợp tác với các tập đoàn lớn của quốc tế: Hợp tác với Pháp để dựng cánh đồng năng lượng mặt trời SoLaFarm tại miền Trung; Hợp tác với tập đoàn WEGEN của Đức để đưa ra sản phẩm pin mặt trời lắp đặt trên hàng triệu mái nhà. Đây là sản phẩm đón đầu khi ENV có chính sách thu mua điện từ tư nhân. Theo đó, các tấm pin phủ trên mái nhà vừa có công dụng sản xuất điện cho sinh hoạt gia đình, vừa có thể bán lại lượng điện không dùng hết cho ENV, lại vừa có tác dụng chống nóng.

Sau 20 năm, “vua bồn inox” lại tiếp tục khởi nghiệp - Ảnh 3.

Sơn Hà cho biết, họ có sản phẩm phù hợp với mức thu nhập của từng vùng, từng gia đình. Ví dụ ở nông thôn, với khoản đầu tư 10 triệu đồng, mỗi ngày các tấm pin năng lượng có thể sản xuất ra 2kw. Những hộ có điều kiện kinh tế, với mức đầu tư 40 triệu đồng, mỗi ngày “mái nhà” sẽ cho khoảng 5kw. Theo tính toán từ bộ phận kỹ thuật của Sơn Hà cũng như WEGEN, với 40 triệu đồng đó, trong 5 năm người dân có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của thiết bị mà WEGEN cung cấp lên đến 25 năm.

Trước những hậu quả mà nhiệt điện, thuỷ điện gây ra với môi trường, Sơn Hà hy vọng điện năng lượng sẽ là giải pháp thay thế mang tính bền vững. Lựa chọn năng lượng tái tạo để “khởi nghiệp” cũng là trách nhiệm của Sơn Hà trước vấn đề nhức nhối là môi trường và thiên nhiên bị phá huỷ hiện nay.

P. Anh