TPHCM:

Sắp xử lý mũ bảo hiểm “rởm” từ gốc đến ngọn

(Dân trí) - Những điểm sản xuất, điểm bán mũ bảo hiểm “rởm” và cả người sử dụng các loại mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ bị kiểm tra, xử lý kể từ ngày 1/7/2014. Liệu lần này, vấn đề chấn chỉnh mũ bảo hiểm có mang lại hiệu quả dù nhiều đơn vị cùng vào cuộc?

Mũ bảo hiểm rởm sắp hết đất sống?
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng - Phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại vừa ký văn bản chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý vấn nạn mũ bảo hiểm dỏm.
 
Văn bản ghi rõ huy động tổng lực các cơ quan ban ngành: Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan truyền thông...vào cuộc với việc phân chia nhiệm vụ cụ thể.
 
Nhìn vào nội dung văn bản chỉ đạo này có thể tin rằng tới đây mũ bảo hiểm dỏm sẽ không còn đất sống khi cả gốc lẫn ngọn từ sản xuất, kinh doanh đến người sử dụng đều bị kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trước đây, Thông tư 06 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy (có hiệu lực từ ngày 15/5/2013) đã xác định rất rõ chức năng, trách nhiệm của từng bộ. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thực hiện quy định về kết cấu, nhãn mác, tem đối với MBH, Bộ Công an thực hiện việc xử phạt…

Lực lượng chức năng trong một lần ra quân truy quyét mũ bảo hiểm rởm
Lực lượng chức năng trong một lần ra quân truy quyét mũ bảo hiểm "rởm"

Riêng tại TP.HCM, nhằm tránh sự chồng chéo “giẫm chân nhau” trong quá trình thanh kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng chức năng quản lý nhóm mặt hàng MBH trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã đưa ra “Kế hoạch chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng MBH cho người đi mô tô, xe máy” có hiệu lực từ ngày 20/5/2013 phân công nhiệm vụ cụ thể: Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng mũ bảo hiểm đối với tổ chức, các nhân sản xuất, nhập khẩu MBH.

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng MBH lưu thông trên thị trường. Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý theo quy định đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy không đội MBH, đội mũ không phải là MBH hiểm hoặc sử dụng MBH hiểm không đúng quy định.

Thế nhưng, ghi nhận thực tế vào thời điểm hiện tại trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM không khó để kiếm một điểm bày bán mũ bảo hiểm dỏm trái phép trên lòng lề đường hoặc tại các ngã tư. Riêng tại tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.5), khu vực công viên Phú Lâm (Q.6) tình trạng bày bán mũ bảo hiểm trái phép, lấn chiếm lòng lề đường vẫn tồn tại ngang nhiên và ngày càng bành trướng quy mô. Tại những điểm bán này, đã không ít lần cơ quan chức năng của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cũng như thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ từng đích thân ra quân nhằm dẹp bỏ nhưng không thành.

Kết quả kiểm tra cho thấy gần như 100% sản phẩm mũ bảo hiểm bày bán tại đây là mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo tem hợp quy CR, mũ không phải mũ bảo hiểm với giá rẻ từ 50.000 - 70.000 đồng/cái.

Một loại mũ thời trang mà nhiều người dân dùng nó thay cho chiếc mũ bảo hiểm
Một loại mũ thời trang mà nhiều người dân dùng nó thay cho chiếc mũ bảo hiểm

Nhìn nhận về vấn đề này, một cán bộ Cục trưởng Quản lý thị trường - Bộ Công thương cho biết: việc bắt giữ và xử phạt các cơ sở kinh doanh, buôn bán MBH kém chất lượng chỉ mới là xử lý ở phần ngọn, chế tài xử phạt hiện còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe, cơ chế phối hợp còn quá nhiều bất cập trong khi các cơ sở mọc lên ngày một nhiều vì lợi nhuận cao đã làm cho thị trường MBH rơi vào tình trạng bát nháo, khó kiểm soát.

Qua khảo sát, rất nhiều người tham gia giao thông vẫn lý giải rằng không biết thế nào là MBH xịn, “rởm”, điều đó có thể chấp nhận vì chất lượng MBH là do các ngành chức năng chịu trách nhiệm.

Nhưng việc sử dụng các loại mũ không phải là mũ bảo hiểm cụ thể như: mũ thời trang, mũ thể thao, mũ nhựa, mũ đội khi cưỡi ngựa...và trên tem nhãn của một số loại mũ này cũng ghi rõ công dụng của nó không phải là MBH mà người tham gia giao thông vẫn sử dụng thì có lý giải thế nào cũng chỉ là “ngụy biện”.

Trung Kiên
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước