Sắp thành lập Tổng cục giám sát vốn Nhà nước

(Dân trí) - Để tăng cường công tác giám sát, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án xây dựng Tổng công ty giám sát phần vốn tại doanh nghiệp. Theo đó, sẽ xây dựng Tổng cục với chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu hiện nay…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó tập trung vào các Tổng công ty, tập đoàn, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ 2 Đề án quan trọng. Đó là: Đề án tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước và Đề án thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tổng công ty, tập đoàn.

Theo đó, để tăng cường công tác giám sát, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án xây dựng Tổng công ty giám sát phần vốn tại doanh nghiệp, với nòng cốt là xây dựng Tổng cục giám sát vốn Nhà nước. Tổng cục này có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu hiện nay, phát triển để giám sát được một cách thường xuyên, định kỳ, kịp thời phát hiện những bất cập, sai sót để phòng chống ...

“Bộ Tài chính đang trình Chính phủ thông qua Đề án này và dự kiến phương án điều động một số nhân sự của Bộ, hưởng lương Bộ Tài chính đến làm việc tại doanh nghiệp để thực hiện vai trò giám sát phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, Thứ trưởng cho hay.

Đề cập về con số thua lỗ lên tới 30 nghìn tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây là những vấn đề cần phải đánh giá. Thực tế, sai phạm về pháp luật thuế chỉ là một phần nhỏ, còn có những vấn đề sai phạm khác như do thủ tục hành chính, quy trình thủ tục…

Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có sai phạm khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, 15.600 tỷ đồng là đầu tư cho các dự án dầu khí khai thác ngoài nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Còn khoản hơn 600 tỷ đồng mà tập đoàn đã ứng vốn cho một số địa phương. Hay như 1.900 tỷ đồng là khoản cổ phần hóa của các công ty con chưa được nộp về.

"Nói như thế để thấy con số 30.000 tỷ đồng được công bố là thất thoát thì thực chất phần lớn không bị mất mà do doanh nghiệp chưa nộp về kịp thời. Theo quy định, các đơn vị thực hiện cổ phần hóa xong phải nộp về tổng công ty, tập đoàn nhưng lại nộp chậm. Đây cũng là sai với quy định nhưng chưa là thất thoát", Thứ trưởng nói.

Trao đổi thêm về cơ chế quản lý tài chính, kinh doanh tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo cần sớm xây dựng và ban hành nhóm cơ chế liên quan đến quản lý và giám sát việc đầu tư vốn trong doanh nghiệp, trong tập đoàn, tổng công ty. Không chỉ vốn nhà nước mà cả vốn vay cũng phải chịu sự giám sát quản lý.

An Hạ