Sắp kiểm toán "siêu" sân bay Long Thành cùng loạt dự án lớn ngành điện

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước cho biết dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư. Đáng chú ý, trong số này có nhiều dự án lớn được dư luận quan tâm.

Sắp kiểm toán siêu sân bay Long Thành cùng loạt dự án lớn ngành điện - 1

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội những dự kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2022.

Theo đó, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư.

Đáng chú ý trong số này có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Một số các dự án lớn khác cũng trong danh sách dự kiến kiểm toán như các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án thủy lợi.

Ngoài ra, hàng loạt dự án trọng điểm ngành điện cũng nằm trong đợt kiểm toán như: Dự án Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa; đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa; trạm biến áp 500kV Tân Uyên và đấu nối; trạm biến áp 500kV Đức Hòa và đấu nối; trạm biến áp 500kV Long Thành; dự án Đường dây 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng; sân phân phối 500kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch.

Trạm biến áp 500kV Việt Trì và đấu nối; đường dây 500kV đấu nối nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn; trạm biến áp 500kV Chơn Thành và đấu nối; dự án Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng; dự án Thủy điện tích năng Bắc Ái; dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I cũng có trong danh sách. 

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc thực hiện sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để rà soát, kiểm tra và có giải pháp nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động của kiểm toán và hoạt động của cơ quan thanh tra các cấp.

Đồng thời xây dựng phương án tổ chức kiểm toán và lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối (bộ, cơ quan trung ương và địa phương) có triển khai nhiều đoàn kiểm toán trong năm 2022 để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị (đặc biệt là các đơn vị tuyến đầu chống dịch Covid - 19).

Trước đó, đề cập tới một số hạn chế, tồn tại, Kiểm toán Nhà nước thừa nhận công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2021 của một số đơn vị trong ngành còn hạn chế, đặc biệt việc thu thập thông tin chưa đầy đủ, chính xác về các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán chi tiết dẫn đến còn phải điều chỉnh kế hoạch khi triển khai thực hiện.

Tỷ lệ kiểm toán ngân sách năm của bộ, cơ quan trung ương mới đạt tỷ lệ khoảng 46% (18/41); số lượng cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đạt 83% (52/63). Tuy nhiên việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phục vụ HĐND phê chuẩn quyết toán còn hạn chế; số lượng cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động trong tổng số cuộc kiểm toán còn chiếm tỷ lệ thấp 18%.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2021 cũng được cho biết chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19, kế hoạch triển khai hoạt động kiểm toán, quy mô, phạm vi của các cuộc kiểm toán phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến hoạt động kiểm toán triển khai chậm hơn các năm trước.

"Hiệu lực thực hiện các kiến nghị kiểm toán tuy đã nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại một số đơn vị còn chưa cao", Kiểm toán Nhà nước cho hay.