1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sắp công bố dự thảo Nghị định kinh doanh vàng

(Dân trí) - NHNN đã dự thảo xong Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, các ngân hàng thương mại… trong tháng này và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý II/2011.

Sắp công bố dự thảo Nghị định kinh doanh vàng - 1

Kinh doanh vàng miếng sẽ bị xóa bỏ? (ảnh: Lê Thanh).
 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cho biết như vậy trong bài viết “Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” đăng trên trang web của NHNN.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong cả nước hiện có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, riêng Hà Nội và TPHCM đã có gần 4.000 doanh nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, một số doanh nghiệp lợi dụng chức năng môi giới kinh doanh vàng trong giấy phép tổ chức các sàn giao dịch vàng mini làm chân rết cho các sàn vàng lớn trước khi Chính phủ có quyết định đóng cửa các sàn vàng, tổ chức các hoạt động huy động và cho vay nặng lãi bất chấp pháp luật để kinh doanh vàng, liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để kiếm lời.

Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến và với qui mô ngày càng lớn, riêng nhập khẩu vàng lậu trung bình một năm từ 20 đến 40 tấn. Lợi dụng việc chưa có các qui định cụ thể giữa vàng nguyên liệu và vàng trang sức, tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức trong những năm vừa qua cũng khá phổ biến, có năm lên đến hàng chục tấn.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, chức năng quản lý nhà nước về vàng còn bị phân tán, do đó tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý. Theo qui định tại Luật NHNN, NHNN có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng; nhưng theo các qui định hiện hành, NHNN chỉ có chức năng quản lý về vàng đối với các loại hình hoạt động sau đây: Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước. Tất cả các hoạt động khác như: Mua bán, sản xuất, gia công vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường đều không do NHNN quản lý mà được cấp phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố; quản lý thị trường của Bộ Công Thương; xuất nhập khẩu qua hải quan của Bộ Tài chính; quản lý chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, các qui định cụ thể để điều tiết mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán vàng, xuất nhập khẩu vàng của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn rất thiếu. Theo qui định tại mục 2 phụ lục III Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ qui định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Do vậy, tổ chức, cá nhân muốn tham gia chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư trên địa bàn và hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng. Ngay cả hoạt động xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không có các qui định để điều phối, kiểm soát. Không có các qui định để phân biệt vàng trang sức, mỹ nghệ với các loại vàng khác.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện có 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng. Riêng vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn SJC chiếm trên 80% thị phần vàng miếng cả nước và được một số thị trường vàng quốc tế có uy tín chấp nhận. Như vậy, vàng miếng SJC hầu như có đầy đủ các chức năng của một đồng tiền thứ hai trên lãnh thổ Việt Nam: Thước đo giá trị, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán, tự do lưu thông, chuyển đổi, mua bán. “Đã là tiền tệ thì phải là hàng hóa đặc biệt do ngân hàng trung ương quản lý từ khâu phát hành đến lưu thông. Hơn nữa, nước ta không phải là một nước sản xuất vàng, số vàng có được đều có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài và có tính chuyển đổi ra ngoại tệ rất cao. Như vậy, vàng miếng còn là ngoại tệ mà ta có cả chế độ quản lý ngoại hối trong khi đó pháp luật hiện hành của ta coi vàng miếng là hàng hóa thông thường, lưu hành như mọi hàng hóa khác”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 7 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành dự thảo xong Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (phần về ngoại tệ và vàng). Nghị định này đã được Chính phủ cho phép xây dựng theo qui trình rút gọn để sớm có hiệu lực thi hành và hiện đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 4/2011.

Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo xong Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 về hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, Ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng trong tháng 4 và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý II/2011. Nội dung các văn bản nêu trên bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ tại kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm