Sắp có sàn giao dịch... nhựa

(Dân trí) - Sàn giao dịch nhựa và chợ nhựa sẽ đi vào hoạt động từ tháng 2/2018 sau khi một doanh nghiệp Việt Nam hoàn tất đàm phán với Hiệp hội nhựa Trung Quốc.

Cơ hội... tỷ đô

Nhiều năm qua, Trung Quốc là một trong những nước nhập phế liệu nhựa lớn nhất thế giới với giá trị nhập khẩu lên đến hàng tỷ USD. Thế nhưng, từ 1/1/2018, Trung Quốc đã chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần, nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên, đó cũng chính là thách thức vô cùng lớn khi các doanh nghiệp Trung Quốc có thể “đổ xô” sang Việt Nam để đầu tư và trở thành “đối thủ” đáng gờm của chúng ta.

Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất nhựa tại Việt Nam đã “ngồi lại” để tìm kiếm phương án phát triển kinh doanh hiệu quả khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa.
Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất nhựa tại Việt Nam đã “ngồi lại” để tìm kiếm phương án phát triển kinh doanh hiệu quả khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa.

Tại hội thảo “Ngành nhựa Việt Nam ứng phó trước lệnh cấm nhập phế liệu nhựa của Trung Quốc” diễn ra tại TPHCM mới đây, nhiều doanh nghiệp đã vạch ra... đường đi nước bước trước mới cho mình.

Ông Đặng Ngọc Quốc, đại diện một doanh nghiệp sản xuất nhựa cho biết, điểm mạnh của các doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam là có nhiều cảng biển thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về.

Công nghệ và kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong nước không thua kém các doanh nghiệp Trung Quốc, sản phẩm nhựa của Việt Nam đang xuất khẩu trên toàn thế giới. Tiềm lực kinh tế và chính sách vẫn còn rất tốt để doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, không tập trung. Trình độ tay nghề của công nhân chưa cao. Các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu, giao dịch quốc tế và không có thói quen chia sẻ thông tin với nhau.

“Các doanh nghiệp trong nước vẫn còn có thói quen cạnh tranh về giá, phá giá để cạnh tranh nội bộ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa có định hướng, chiến lược rõ ràng để cạnh tranh với các doanh nghiệp ở Đông Nam Á và quốc tế”, ông Quốc nói.

Sản phẩm của doanh nghiệp nhựa Việt không thua kém các nước
Sản phẩm của doanh nghiệp nhựa Việt không thua kém các nước

Hạt nhựa lên ngôi?

Việc không nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc sẽ khiến nước này phải nhập khẩu hạt nhựa nguyên liệu để sản xuất nhựa.

Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 7,3 triệu tấn hạt nhựa, trị giá hàng tỷ USD. Điều này mở ra một thị trường “cực lớn” để xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp nhựa tái sinh Việt Nam mở rộng năng lực sản xuất.

Ngoài ra, khi các nước Châu Âu bị chặn nguồn bán phế liệu vào Trung Quốc thì các doanh nghiệp Việt Nam lại càng có thêm cơ hội để hợp tác với những các doanh nghiệp từ Châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù cơ hội là rất lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ bởi nguy cơ xảy ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá hạt nhựa giữa các doanh nghiệp trong nước là điều rất dễ xảy ra.

Khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu phế liệu nhựa thì hạt nhựa nguyên liệu sẽ có cơ hội vô cùng lớn để xuất khẩu vào thị trường “khổng lồ” này
Khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu phế liệu nhựa thì hạt nhựa nguyên liệu sẽ có cơ hội vô cùng lớn để xuất khẩu vào thị trường “khổng lồ” này

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung “gom” hàng và đầu tư hết nguồn vốn để tăng năng lực sản xuất cũng có thể dẫn đến nguy cơ “vỡ nợ” nếu Trung Quốc ngừng mua hàng. Ngoài ra, nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác, ô nhiễm rất dễ xảy ra nếu mất kiểm soát.

Để “ứng phó” với các vấn đề nêu trên, một doanh nghiệp nhựa lớn tại Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp nhựa khác tham gia vào sàn giao dịch nhựa, chợ buôn bán nhựa và khu công nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao do doanh nghiệp này tổ chức.

Các ý tưởng được xây dựng nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa sản xuất, “gom” các doanh nghiệp về một mối để các đối tác nước ngoài có thể dễ dàng tìm kiếm, hợp tác khi có nhu cầu về nhựa.

Theo doanh nghiệp lớn nói trên, sàn giao dịch nhựa và chợ nhựa sẽ đi vào hoạt động từ tháng 2/2018 sau khi doanh nghiệp này đàm phán với Hiệp hội nhựa Trung Quốc vào 19/1 tới. Riêng khu công nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao thì đang được xây dựng với quy mô 181 hecta ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, hiệp hội rất ủng hộ việc phát triển một cách bền vững, chuyên nghiệp như có sàn giao dịch, chợ nhựa hay khu công nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao.

“Các doanh nghiệp cần đồng sức, đồng lòng hỗ trợ nhau trong thời điểm này để có thể bước vào các thị trường quốc tế một cách tự tin và chắc chắn”, ông Lam nói.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, thành phố mang tên Bác chính là cái “nôi” của ngành nhựa của cả nước, với 80% doanh nghiệp ngành nhựa tập trung tại đây. Ngành nhựa đang phát triển rất mạnh và hầu như không còn quá nhiều các sản phẩm ngoại nhập ở trong nước.

Ngành nhựa Việt Nam đang sở hữu nhiều công nghệ sản xuất nhựa tiên tiến và hiện đại.
Ngành nhựa Việt Nam đang sở hữu nhiều công nghệ sản xuất nhựa tiên tiến và hiện đại.

“Chúng ta vẫn chưa tự chủ được nguyên liệu. Xuất khẩu dầu nhưng lại nhập khẩu nhựa. Trong khi đó, chúng ta có một trữ lượng dầu rất lớn để có thể sản xuất được một lượng nhựa rất nhiều. Năng lực sản xuất ngành nhựa của chúng ta lên tới 10 tỷ USD nhưng chỉ xuất khẩu được 3 tỷ USD mỗi năm và lại nhập khẩu đến 6-7 tỷ USD, đó là chênh lệch rất lớn”, ông Việt Anh nói.

Cũng theo ông Việt Anh, phế liệu chính là sự sáng tạo cần thiết trong việc tìm kiếm nguyên liệu nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu nhựa. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn kỹ lưỡng nguồn phế liệu, phải chọn những loại phế liệu sạch và nhanh chóng hoàn thiện các mô hình tái chế phế liệu hiện đại để chủ động trong công tác sản xuất, kinh doanh.

Đại Việt – Công Quang

Sắp có sàn giao dịch... nhựa - 5