Sắp có cuộc chiến thương mại toàn cầu?

(Dân trí) - Thâm hụt thương mại Mỹ tăng mạnh không hề liên quan đến tiêu dùng nội địa, chính sách hay điều gì đó đang diễn ra bên ngoài. Trong những tháng tới, nước Mỹ buộc phải lựa chọn giữa bảo hộ hay thâm hụt thương mại với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Chắc chắn nước Mỹ sẽ chọn biện pháp bảo hộ nhưng nếu phản ứng quá mạnh mẽ (điều này dễ xảy ra), làn sóng bảo hộ toàn cầu sẽ dâng cao và nước đang có thặng dư thương mại lớn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Sau khi tăng lên mức 42 tỷ USD trong tháng 5/2010, thâm hụt thương mại Mỹ tháng 6/2010 tiếp tục lên mức 50 tỷ USD, con số cao chưa từng thấy từ mùa hè năm 2008 và trước thời điểm giữa năm 2004 cũng chưa bao giờ lên mức này.

Thâm hụt thương mại Mỹ ngày một tăng, ngày càng nhiều người lo ngại về việc người tiêu dùng Mỹ lại chi tiêu mạnh tay, nhưng lần này họ đã sai. Thâm hụt thương mại Mỹ tăng cao là hậu quả tất yếu của sự chuyển dời những bất ổn trong thương mại toàn cầu.

3 quốc gia đi đầu những yếu tố mất cân bằng trong thập kỷ qua bao gồm Trung Quốc, Đức và Nhật có thặng dư thương mại lớn và họ phụ thuộc vào thặng dư để giúp tăng trưởng việc làm trên thị trường nội địa. Nhóm nước khác đi ngược lại xu thế trên bao gồm Mỹ, một số nước châu Âu, đi đầu là Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp.

Khủng hoảng tài chính đã làm mất đi sự cân bằng tạm thời giữa nhóm nước này bằng việc buộc các nước có thâm hụt cố gắng giảm nợ, đặc biệt là nợ tiêu dùng.

Khi làm như vậy, họ không còn có thể tiêu thụ được nhiều hàng hóa cho thế giới như trước. Nhóm nước có thặng dư, vốn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ bên ngoài để giải quyết được năng lực sản xuất thừa, đã điều chỉnh mạnh mẽ bằng việc cố gắng duy trì hoặc thậm chí tăng thặng dư.

Họ đang thành công. Đồng euro yếu, căng thẳng tài khóa của Đức sẽ giúp thặng dư thương mại của Đức tăng mạnh và tạo ra tăng trưởng. Mỗi khi đồng Nhân dân tệ tăng giá, sẽ được bù lại bởi nguồn cung tín dụng dồi dào vào các công ty sản xuất của Trung Quốc. Đồng Yên đã tăng mạnh lên mức đáng cảnh báo và Nhật cũng sẽ làm mọi cách để duy trì thặng dư thương mại.

Thế nhưng nước này có thặng dư thì sẽ có nước khác chịu thâm hụt, mọi chuyện hết sức căng thẳng. Khủng hoảng đã khiến phần lớn nhóm nước chịu thâm hụt tại châu Âu trong đó có Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ý gặp khó khăn trong huy động nguồn tài chính mới.

Chính các nước đang có thặng dư sẽ phải tự tìm cách đảm bảo thặng dư của họ không dẫn đến việc nhóm nước chịu thâm hụt quá sức chịu đựng và ngừng tiêu thụ hàng đến từ nhóm nước thặng dư.

Nên tránh kịch bản các nước đưa ra cách phản ứng tiêu cực như thập niên 1930, chính sách với mục tiêu “làm nghèo hàng xóm”. Chúng ta đều biết mọi chuyện sẽ kết thúc cay đắng như thế nào.

Ngọc Diệp
Theo FT