Sập bẫy vay tiền lãi suất cao

Nhiều người đã mất hàng tỉ đồng chỉ vì những “chiêu” trả lãi cao, trả ngay khi vay tiền, tặng quà để lấy lòng người cho vay... rồi sau đó người vay bỏ trốn

“Sau khi nhận tiền, người vay trả tiền lãi ngay và nhiều lần sau đó đều trả tiền lãi đúng hẹn. Chỉ được một thời gian, người vay bỏ trốn, không biết đến bao giờ tôi mới lấy lại được tiền của mình”. Đây là phản ánh của bà Nguyễn Thị Thảo (ngụ phường 2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) trong đơn cầu cứu gửi Báo Người Lao Động mới đây.

Đủ kiểu... trốn nợ

Theo trình bày của bà Thảo, khoảng tháng 1/2014, qua bạn bè giới thiệu, bà Thảo biết bà Võ Thị Ngọc Đoan (phường 2, TP Vĩnh Long) đang cần vốn để làm ăn. Qua tiếp xúc, bà Thảo được bà Đoan giới thiệu đang sở hữu 3 căn nhà liền kề, đang cần vốn làm ăn gấp nhưng chưa bán được nhà. Không chỉ khoe mình giàu có, bà Đoan còn “nổ” chồng mình là cán bộ cỡ lớn của ngành công an.

Cả tin, chỉ từ tháng 1 đến tháng 4/2014, bà Thảo đã cho bà Đoan vay tổng cộng 3,8 tỉ đồng. Theo hợp đồng vay, hằng tháng bà Đoan trả lãi 1%. Không đợi đến cuối tháng, sau khi nhận được tiền, bà Đoan trả ngay tiền lãi hoặc có khi trả tiền lãi trước thời hạn thỏa thuận. Trong quá trình vay, bà Đoan còn thường xuyên tặng quà đắt tiền cho bà Thảo. Mọi việc vay - trả diễn ra bình thường cho đến cuối tháng 5/2014, bà Đoan ngưng trả tiền và đến tháng 6/2014, bà Đoan đi khỏi nơi thường trú.

Bà Nguyễn Thị Thảo trình bày việc bị bà Đoan lừa tiền

Bà Nguyễn Thị Thảo trình bày việc bị bà Đoan lừa tiền

Theo một cán bộ lãnh đạo UBND phường 2, TP Vĩnh Long, không chỉ bà Thảo mà còn rất nhiều người khác cũng bị lừa, trong đó có cả cán bộ hưu trí với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Tiền lãi mà bà Đoan hứa với các “con mồi” có khi lên đến 30%.

Vụ việc tương tự cũng xảy ra với nhiều người khác ở TP HCM. Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận 3, TP HCM) vay 1 tỉ đồng. Do bà Hoa không trả nợ nên bà Ngọc kiện ra tòa. Theo phán quyết của tòa, bà Hoa có trách nhiệm trả tiền cho bà Ngọc. Chưa kịp vui mừng thì bà Ngọc bị cơ quan thi hành án trả lại đơn yêu cầu thi hành án do bà Hoa không có tài sản để thi hành án. Số tài sản của bà Hoa hiện nay đã chuyển cho người khác đứng tên.

Bà H.N.N (ngụ quận 10, TP HCM) đã cho bà N.T.T.H (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vay 500 triệu đồng. Do bà H. chậm trả tiền nên bà N. đã nhiều lần đến tận nhà đòi nhưng chỉ nhận được lời hứa. Mới đây, bà H. cam kết sẽ trả... 2 triệu đồng/tháng.

Công an trả đơn, tòa không thụ lý

Bà Thảo đã gửi đơn trình báo đến Công an TP Vĩnh Long, Công an tỉnh Vĩnh Long. Sau khi tiếp nhận, các cơ quan này đã thông báo trả lại đơn với lý do đây là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của công an. Nơi đây cũng hướng dẫn bà Thảo kiện ra tòa. Bà Thảo kiện bà Đoan ra TAND TP Vĩnh Long. Một thời gian sau, TAND TP Vĩnh Long mời đến nhận lại đơn với lý do bà Thảo không cung cấp được địa chỉ của bà Đoan.

Theo luật sư Nguyễn Hòa Thuận, Đoàn Luật sư TP HCM, bà Đoan không có mặt tại địa phương trong khoảng thời gian dài từ tháng 6-2014 cho đến nay mà không khai báo tạm vắng cũng như việc bà Đoan chuyển nhượng toàn bộ nhà đất của mình cho người khác khi đến hạn trả nợ và cắt mọi liên lạc đối với chủ nợ (bà Thảo), hành vi đó được xem là bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản và có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong những trường hợp này, khi nhận được đơn tố cáo hoặc yêu cầu khởi tố của bà Thảo, cơ quan công an cần phải thụ lý để thực hiện việc điều tra ban đầu nhằm làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Đoan.

Cảnh giác để không mất tiền

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Công ty Luật TNHH Đức Chánh, trong các trường hợp vay mượn tiền thì bên cho vay rất khó bảo vệ quyền lợi cho mình nếu có tranh chấp xảy ra hoặc sau khi vay, bên vay bỏ đi nơi khác. Bởi lẽ, theo quy định Luật Cư trú hiện hành thì hiện nay không còn thủ tục đăng ký tạm vắng như trước đây nên khó xác định hành vi “bỏ trốn” hoặc chứng minh có “thủ đoạn gian dối” sau khi vay tiền theo quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự. Còn trong trường hợp bên vay không bỏ đi nơi khác nhưng không trả nợ thì lúc này phải xem giao dịch vay tài sản này có tài sản bảo đảm hay không? Trường hợp không có tài sản bảo đảm thì cho dù có thắng kiện cũng rất khó trong việc thi hành án về sau nếu bên vay đã “tẩu tán” tài sản trước đó hoặc không có tài sản để thi hành.

“Để bảo đảm mình không rơi vào tình cảnh mất tiền khi cho người khác vay thì ngoài yếu tố tin tưởng, người cho vay nên lựa chọn cho vay có tài sản bảo đảm để bảo vệ quyền lợi cho mình về sau” - luật sư Nguyễn Đức Chánh cảnh báo.

Theo Trường Hoàng
Người Lao động

Sập bẫy vay tiền lãi suất cao - 2