Sao "mớ rau con cá" lại không ảnh hưởng, thưa ngài Thứ trưởng!

20% hộ gia đình nghèo nhất đang chỉ chi trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, nhưng đối với 20% ấy, 1 xu tăng thêm cũng phải tính toán, 1 đồng tăng thêm cũng đã là gánh nặng.


Phát ngôn đang gây phản ứng dữ dội của một quan chức Bộ Tài chính

Phát ngôn đang gây phản ứng dữ dội của một quan chức Bộ Tài chính

VAT là thuế đánh vào người mua. Một sản phẩm được làm ra qua càng nhiều công đoạn thì phép cộng dồn thuế khiến giá càng cao. Kể cả "con cá, lá rau" cũng không ngoài quy luật này. Bảo tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến dân nghèo thì đúng, nhưng đó phải là nhân dân Châu Phi chứ không phải dân nghèo VN.

Dư luận như là đang tức giận và phẫn nộ sau phát ngôn của một quan chức Bộ Tài chính. Nguyên văn: "Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. (Nhưng) Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu. Như vậy, những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì".

Hãy lấy ngay một miếng thịt heo, loại hàng hoá đang rớt giá làm ví dụ đi.

Tháng 5.2012, "thủ phủ heo Đồng Nai" chấn động sau khi nhận thông báo của Emivest VN về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi. Nguyên do: Do cước phí vận tải tăng cao, Emivest buộc phải tăng giá bán thức ăn chăn nuôi (TACN) thêm 7.500 đồng/bao 25kg, tương đương tăng thêm 300 đồng/kg.

Thời điểm đó, mức thuế VAT các doanh nghiệp phải đóng khi nhập khẩu các nguyên liệu để chế biến TACN chỉ là 0%.

Cùng thời điểm, giá thịt heo tại các chợ đầu mối tại TPHCM tăng từ 8-10.000 đồng/kg.

Một miếng thịt heo phải qua bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu chi phí để đến người tiêu dùng?

Nhiều lắm. Đầu tiên là giống. Thức ăn. Thuốc thú y. Chi phí nhân công. Điện nước. Khấu hao chuồng trại. Giết mổ. Vận chuyển, Thú y...

Tính ngay một loại chi phí là thức ăn chăn nuôi thôi, cũng chịu các công đoạn và chi phí tương tự.

Trong việc tăng VAT mà Bộ Tài chính đang đề xuất, có rất nhiều sản phẩm đầu vào nông nghiệp, chẳng hạn phân bón, thuốc BVTV... với mức từ chịu thuế 0% sẽ vào diện chịu thuế.

Có nghĩa là từ những nguyên liệu như ngô, đậu tương sẽ tăng giá. Kéo theo đó là TACN tăng thì giá thịt không thể không tăng.

Nói sản phẩm cụ thể là mớ rau, cân thịt không chịu thuế VAT là đúng. Nhưng bảo nó không tăng giá, không ảnh hưởng thì chưa đúng đâu, thưa Thứ trưởng.

Không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế VAT không phân biệt đối tượng nộp thuế. Tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế GTGT như nhau, bất kể mức thu nhập thế nào. Huống chi, đó còn là một sắc thuế gián thu không thể điều chỉnh theo thu nhập và hỗ trợ người nghèo.

Người dân hoàn toàn hiểu những cái khó của ngân sách. Tỷ lệ số thu thuế trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) đã giảm từ 23,5% GDP năm 2010 xuống 18,3% GDP vào năm 2016. Rồi từ đầu năm, chi trả nợ gốc và lãi vay nợ công đã lên tới 185,3 ngàn tỷ đồng. Trung bình, mỗi ngày ngân sách chi khoảng 770 tỷ đồng để trả nợ.

Nhưng rất khó để thuyết phục rằng cái khó của NSNN được lấp đầy bằng cách tăng thuế trong khi chi thường xuyên vẫn cao ở mức như thể phóng tay.

20% hộ gia đình nghèo nhất đang chỉ chi trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, nhưng đối với 20% ấy, 1 xu tăng thêm cũng phải tính toán, 1 đồng tăng thêm cũng đã là gánh nặng.

547.000 lượt người thiếu đói trong 6 tháng đầu năm. Và tiêu dùng của họ đang chỉ ở mức sinh tồn.

Bảo không ảnh hưởng vì chuyện lá rau con cá ư? Xin hãy rút lại lời thưa ngài Thứ trưởng. Rút ở nghĩa các sắc thuế cần thấu cảm hơn khi đánh giá đúng những hiệu ứng tác động tới mấy chục triệu dân, tới cả nền kinh tế, trong đó có hơn nửa triệu lượt người đang đói.

Theo Đào Tuấn
Lao động