1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sang năm tiếp tục căng thẳng về điện

(Dân trí) - “Chưa năm nào như năm nay là đến thời điểm này mà tất cả các hồ thuỷ điện đều chưa phải xả nước. Và với thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi thì việc cấp điện mùa khô 2011 và cả những năm sau sẽ khó khăn” - Lãnh đạo EVN khẳng định.

Trước những thông tin lo ngại về tình hình cung ứng điện trong những năm tới, báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xung quanh vấn đề này.
 
Mặc dù đã vào thời điểm gần kết thúc mùa mưa nhưng trước thông tin về việc mực nước tại các hồ thủy điện thấp hơn nhiều so với mọi năm đã khiến dư luận không khỏi hoang mang cho việc cung ứng điện trong thời gian tới. Xin ông cho biết rõ về tình hình này?
 
Có thể nói rằng thời tiết khí hậu năm nay diễn biến hết sức bất thường, tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài trên bình diện cả nước. Ở miền Bắc đã không có lũ tiểu mãn và tới thời điểm này, khi gần kết thúc mùa mưa nước về các hồ thuỷ điện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009.
 
Sang năm tiếp tục căng thẳng về điện - 1
Các hồ thủy điện mức nước thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009
 
Tính đến ngày 20/9/2010, mức nước hồ Hoà Bình là 99,30m, thấp hơn cùng kỳ 2009 12,13m, hồ Tuyên Quang là 104,08m, thấp hơn cùng kỳ 1,10m. Các hồ thuỷ điện miền Trung và miền Nam tình hình nước về cũng rất thấp, mức nước các hồ thuỷ điện lớn như Ialy, Sông Ba Hạ, Trị An, Hàm Thuận, Đại Ninh... đều xấp xỉ mức nước chết, mặc dù miền Nam đang ở giữa mùa mưa.
 
Đặc biệt, chưa có năm nào như năm nay là đến thời điểm này mà tất cả các hồ thuỷ điện đều chưa phải xả nước, trong khi cùng thời điểm các năm trước, các hồ thuỷ điện đã phải xả lũ.
 
Ngoài ra, để phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2009 - 2010, EVN đã thực hiện 4 đợt xả nước từ các hồ thuỷ điện phía Bắc với tổng lượng nước trên 3,5 tỷ m3. Tính chung 8 tháng 2010, các hồ thuỷ điện đã hụt 19,3 tỷ m3 nước so với cùng kỳ 2009, tương đương với 3,3 tỷ kWh điện.
 
Việc thiếu nước có thể ảnh hưởng tới năng lực nguồn thủy điện. Nhưng ngay cả những nguồn điện sử dụng nhiên liệu từ than, khí… cũng hay gặp sự cố từ đó làm tăng nguy cơ thiếu điện. Ông lý giải thế nào về điều này?
 
Mặc dù với công suất hiện có của hệ thống điện (trên 19.000 MW) hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện (khoảng 15.000 - 16.000 MW), song do thiếu nước nên không thể huy động hết năng lực của nguồn thuỷ điện (với công suất 6.200 MW, chiếm 34,2% công suất toàn hệ thống).
 
Bên cạnh đó, một số tổ máy nhiệt điện than mới, được trưng dụng vận hành như Sơn Động, Cẩm Phả 1, Quảng Ninh 1, Hải Phòng 1 hoạt động chưa ổn định, phải khắc phục sự cố, khiếm khuyết nên không huy động được hoặc sản lượng phát điện không cao.
 
Ngoài ra, một số tổ máy nhiệt điện than được đưa ra khỏi vận hành để bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ theo kế hoạch. Tất cả các diễn biến trên khiến hệ thống điện phải vận hành trong tình trạng không có công suất dự phòng, tiềm ẩn nguy cơ sự cố tan rã hệ thống điện.
 
Hiện nay, một số địa phương phản ánh lại tiếp tục cắt điện, nguyên nhân có phải do thiếu điện không, thưa ông?
 
Những ngày giữa tháng 9/2010, ngoài những khó khăn trên, hệ thống điện tiếp tục vận hành trong điều kiện bất lợi do nhu cầu sử dụng điện không giảm nhiều.
 
Trong khi đó, lại có công tác tại các dàn khai thác khí Cửu Long, trạm phân phối khí Phú Mỹ, làm giảm công suất phát điện một số tổ máy chạy khí của các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ.
 
Vì vậy, ngành điện đã phải thực hiện hạn chế công suất khẩn cấp trong một số thời điểm khi tần số hệ thống điện bị giảm thấp, nhằm ngăn ngừa nguy cơ sự cố làm tan rã hệ thống điện.
 
Việc mất điện làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt tại một số khu vực, địa phương là tình huống bất khả kháng, khòng thể thông báo trước. Chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của  khách hàng sử dụng điện.
 
Vậy EVN đã làm gì để đối phó với tình hình khó khăn đang đặt ra?
 
Chúng tôi đang cố gắng hết sức thực hiện các giải pháp để tăng thêm khả năng cung ứng điện như: huy động cao các nguồn điện hiện có, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, khắc phục các khiếm khuyết của các tổ máy nhiệt điện than mới để vận hành trở lại sớm như: Quảng Ninh 1, Hải Phòng 1, Sơn Động, Cẩm Phả… và nhập khẩu điện Trung Quốc ở mức cao.
 
Đồng thời, EVN sẽ theo dõi sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để điều hành hợp lý, vừa giữ cho hệ thống điện Quốc gia vận hành an toàn, vừa cải thiện tình hình cung ứng điện.
 
Vậy theo dự báo của ngành điện, việc cung ứng điện cho năm sau và những năm tiếp theo sẽ ra sao?
 
Rất khó để dự báo được chính xác do các yếu tố bất thường của thời tiết, tình hình thuỷ văn, diễn biến của nhu cầu sử dụng điện, các yếu tố khác của nền kinh tế. Nhưng với thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi như hiện nay thì tình hình cấp điện mùa khô 2011 và cả những năm sau sẽ khó khăn.
 
Để giảm thiểu khó khăn trong cung ứng điện, ngoài những nỗ lực của ngành điện, chúng tôi rất cần sự thông cảm, chia sẻ từ phía các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và các khách hàng bằng việc sử dụng điện hợp lý, tránh lãng phí vì hiện nay ở nước ta, hiệu suất sử dụng năng lượng điện rất thấp, chưa hiệu quả (tăng trưởng điện gấp 2,5 lần so với tăng trưởng GDP).
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm