1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sản xuất trên thế giới phục hồi, Việt Nam được trân trọng "điểm danh"

Hương Vũ

(Dân trí) - Hoạt động sản xuất tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế Á, Âu đang dần cải thiện. Đặc biệt, Việt Nam cũng được tờ Wall Street Journal nhắc tên nhờ số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh.

Sản xuất trên thế giới phục hồi, Việt Nam được trân trọng điểm danh - 1
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nền kinh tế lớn của thế giới rơi vào suy thoái. Ảnh: SCMP

Sau cuộc suy thoái mạnh mẽ vào mùa xuân năm nay khi các nhà máy đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, hoạt động sản xuất tại Mỹ đã dần trở về “guồng quay”. Các khảo sát mới công bố cho biết nhu cầu trong và ngoài nước cải thiện, đã thúc đẩy lượng đơn hàng mới.

Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của hoạt động sản xuất đạt 55,4 trong tháng 9, đánh dấu mốc tăng tháng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số trên 50 cho thấy, hoạt động sản xuất đang cải thiện.

Tuy vậy, chỉ số phụ về việc làm ghi nhận ở mức 49,6, nghĩa là tiếp tục suy giảm trong tháng 9, dù với tốc độ chậm hơn so với những tháng trước.

Tuy nhiên, Timothy Fiore, người điều hành khảo sát của ISM, cho rằng dù việc làm còn yếu nhưng đã khá hơn vài tháng trước. “Nhìn chung, mọi thứ đều có vẻ ổn”.

Còn theo khảo sát của IHS Markit, PMI đã tăng nhẹ lên 53,2 trong tháng 9, từ mức 53,1 trong tháng 8.

Chris Williamson, Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, cho biết các công ty đang tăng chi tiêu đầu tư trở lại sau khi kế hoạch mở rộng sản xuất bị trì hoãn trong mùa xuân. “Tương tự, các đơn đặt hàng nhiều hơn đã giúp thúc đẩy việc tạo thêm việc làm khi các công ty tiếp tục mở rộng công suất”, ông nói.

Ông Timothy Fiore chỉ ra một số khó khăn có thể làm chậm tốc độ phục hồi sản xuất. Thứ nhất, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 vào mùa thu này có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và công nhân ở nhà. Thứ hai, việc dạy trực tuyến có thể khiến nhiều phụ huynh làm việc từ xa ở nhà. Cuối cùng, sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống có thể khiến các công ty hoãn đầu tư.

Bức tranh tương tự ở châu Âu và châu Á, nơi các nhà sản xuất tiếp tục cắt giảm việc làm mặc dù đã phục hồi phần lớn hoạt động. Thất nghiệp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng lên trong tháng 8, dù các chính phủ đã mạnh tay trợ cấp nhằm cứu việc làm và các doanh nghiệp.

IHS Markit cho biết, PMI sản xuất khu vực đồng Euro đã tăng lên 53,7 trong tháng 9 từ mức 51,7 trong tháng 8. Phần lớn tăng trưởng đó tập trung ở Đức, nơi các doanh nghiệp báo cáo doanh số xuất khẩu tăng mạnh. Đức nổi bật trong số các quốc gia giàu có nhờ sức mạnh phục hồi, hưởng lợi từ nhu cầu hồi sinh của Trung Quốc đối với máy công cụ và các hàng hóa khác.

Kinh tế Trung Quốc tăng mạnh hơn trong tháng 9 khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ có kết quả. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên 51,5 điểm vào tháng 9, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ tư (30/9). Con số này cao hơn dự báo 51,2 điểm của các nhà kinh tế và 51 điểm của tháng 8.

Giới chức Trung Quốc hy vọng kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ thứ năm (1/10), sẽ giúp chi tiêu của người dân cả nước tăng cao hơn nữa, khi các địa phương triển khai những chiến dịch khuyến mại.

“Việc cải thiện nhu cầu bên ngoài đã bổ sung thêm động lực cho sự phục hồi của Trung Quốc, vốn không chỉ dựa vào nhu cầu trong nước”, Serena Zhou, Nhà kinh tế của Mizuho Securities, đánh giá.

Sản xuất trên thế giới phục hồi, Việt Nam được trân trọng điểm danh - 2
Chỉ số PMI ngành sản xuất nhiều quốc gia đã tăng trở lại trong tháng 9. Ảnh: AFP

Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc đã nhiều lần đánh bại dự báo ảm đạm của các chuyên gia kinh tế trong năm nay. Việc quốc gia này khôi phục lại hoạt động nhà máy tương đối nhanh chóng vào mùa xuân đã giúp họ có thể sản xuất thiết bị y tế và hàng điện tử gia dụng khi phần còn lại của thế giới phải vật lộn với đại dịch.

Bất chấp sự hồi sinh về sản lượng và đơn đặt hàng, các nhà sản xuất trong khu vực đồng Euro vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm. Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu cho biết 251.000 người đã mất việc trong tháng 8, đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ 8% lên 8,1%.

Các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới khi các kế hoạch cứu trợ dần kém hào phóng hơn và một số doanh nghiệp chuẩn bị cho sự phục hồi chậm lại, vì những đợt bùng phát virus mới tiếp tục làm giảm nhu cầu.

Trên toàn cầu, những gì chúng tôi thấy là xuất khẩu dịch vụ không phục hồi nhanh như xuất khẩu hàng hóa sản xuất. Một số doanh nghiệp sẽ phá sản”, Beata Javorcik, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), nói.

Bức tranh kinh tế châu Âu cũng rất ảm đạm khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các thành viên chủ chốt của “lục địa già”. Các ngành kinh tế quan trọng của EU từ ngoại thương, du lịch đến vận tải, dịch vụ ăn uống công cộng đều bị thiệt hại nghiêm trọng, trong đó sản xuất ô tô được coi là lĩnh vực đặc biệt dễ bị tổn thương do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thực tế, nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I/2020, khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của Eurozone kể từ năm 1995.

Tại Đức, IMF dự báo mức tăng trưởng của nước này sẽ giảm 7,5% trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank đánh giá, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái và khó có thể phục hồi trong ngắn hạn. Sản lượng công nghiệp của Pháp giảm 16,2% trong tháng 3 vừa qua, trong khi GDP của Anh ước giảm hơn 14% trong năm nay.

Các khu vực của châu Á cũng chứng kiến tăng trưởng sản lượng của nhà máy, đáng chú ý nhất là Ấn Độ, nơi chỉ số PMI đã tăng lên 56,8 trong tháng 9, từ mức 52 trong tháng 8, do đơn đặt hàng xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, công ăn việc làm vẫn bị mất.

Hoạt động sản xuất cũng tăng tốc ở Philippines và Việt Nam, nhờ sự gia tăng đơn đặt hàng xuất khẩu. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 9 khi đạt 52,2 điểm so với 45,7 điểm của tháng 8.

Cuối cùng, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 có mức cải thiện điều kiện hoạt động lần đầu tiên trong ba tháng. Hơn nữa, chỉ số toàn phần (52,2) là cao nhất kể từ tháng 7/2019 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện nhẹ.

Nhưng đã có sự sụt giảm hoạt động ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và chắp vá. Chỉ số toàn phần của hai nước chỉ đạt mức quanh 50 điểm, với kết quả lần lượt là 49,9 và 50,1 điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm