Sẵn sàng "dốc hết tiền" cho VinFast, ông Phạm Nhật Vượng giàu thế nào?

Mai Chi

(Dân trí) - Tại thời điểm phỏng vấn gần đây, Bloomberg ước tính ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản khoảng 5,3 tỷ USD. Còn tính toán của Forbes tại ngày 17/6, con số này là 4,2 tỷ USD.

VIC đóng cửa phiên 17/6 tại mốc tham chiếu

Nếu như phiên sáng VIC đóng góp đáng kể cho VN-Index thì kết phiên 17/6, cổ phiếu Vingroup quay trở lại mốc tham chiếu 42.000 đồng/đơn vị. Trong rổ VN30 có tới 20 mã giảm giá, 2 mã đứng giá và 8 mã tăng.

Với mức thị giá của VIC hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng đang có trên 29.000 tỷ đồng tài sản nhờ trực tiếp sở hữu cổ phiếu tại Vingroup.

Sẵn sàng dốc hết tiền cho VinFast, ông Phạm Nhật Vượng giàu thế nào? - 1

Ông Phạm Nhật Vượng (Ảnh: Bloomberg/Vingroup).

Theo báo cáo quản trị công ty năm 2023 do Vingroup công bố, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu trực tiếp 691.274.400 cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,82% vốn điều lệ tập đoàn. Vợ ông, bà Phạm Thu Hương, cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, sở hữu 170.610.525 cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 4,4%.

Thời gian qua, ông Vượng liên tục sử dụng cổ phần tại Vingroup để góp vốn vào các doanh nghiệp, tuy vậy, sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Vượng tại Vingroup vẫn giữ ở mức hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC tương ứng khoảng 63% vốn điều lệ tập đoàn.

Giá trị tài sản trên sàn của nhóm cổ đông liên quan đến ông Phạm Nhật Vượng thông qua sở hữu cổ phiếu Vingroup ước tính trên 100.800 tỷ đồng.

Thống kê của Forbes cho thấy, tài sản ròng (tính theo thời gian thực) của ông Phạm Nhật Vượng đang ở mức 4,2 tỷ USD. Ông vẫn là người giàu nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại và xếp thứ 768 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Mới đây, ông Phạm Nhật Vượng gây chú ý khi xuất hiện trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo nước ngoài dù vốn rất ít khi ông xuất hiện trước truyền thông. Chủ tịch Vingroup khẳng định sẽ hỗ trợ tài chính cho VinFast "cho đến khi tôi hết tiền thì thôi". Tại thời điểm phỏng vấn, Bloomberg ước tính, ông Vượng sở hữu khối tài sản khoảng 5,3 tỷ USD.

Trước đó, tại phiên họp cổ đông diễn ra hồi tháng 4, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã đi thẳng vào những câu hỏi mà cổ đông đặt ra với VinFast, bao gồm lo ngại việc dồn lực cho VinFast sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Vingroup.

Chủ tịch Vingroup tái khẳng định mục tiêu "VinFast không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là dự án trách nhiệm xã hội, VinFast không chỉ muốn sản xuất được xe mà còn muốn vào top đầu thế giới".

Theo đó, người đứng đầu Vingroup nhấn mạnh việc dành mọi nguồn lực cho dự án này, "tất cả cho VinFast". Sau khi cam kết dành 1 tỷ USD cho VinFast, ông Vượng cho hay sẽ tiếp tục thu xếp tài sản cá nhân cho dự án này, ít nhất 1 tỷ USD nữa.

VN-Index đóng cửa tại vùng dưới 1.275 điểm

Trở lại với diễn biến thị trường chứng khoán phiên 17/6, tình trạng giằng co, rung lắc vẫn tiếp tục. Áp lực bán ra khiến VN-Index duy trì sự vận động dưới vùng tham chiếu, đóng cửa mất 5,14 điểm tương ứng 0,4% còn 1.274,77 điểm. VN30-Index giảm 6,76 điểm tương ứng 0,4%.

Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,8 điểm tương ứng 0,33%; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,04%.

Thanh khoản đạt 900,55 triệu cổ phiếu tương ứng 22.990,08 tỷ đồng trên sàn HoSE và 68,2 triệu cổ phiếu tương ứng 1.450,09 tỷ đồng trên sàn HNX. Thị trường UPCoM có 49,12 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 916,7 tỷ đồng.

Sẵn sàng dốc hết tiền cho VinFast, ông Phạm Nhật Vượng giàu thế nào? - 2

Thanh khoản phiên hôm nay có phần thu hẹp so với phiên trước (Nguồn: VNDS).

Việc nhiều cổ phiếu lớn điều chỉnh đã phần nào ảnh hưởng đến VN-Index. MSN giảm 2,3%; BID giảm 2,1%; VIB giảm 2%; GAS giảm 1,8%; HDB giảm 1,7%; FPT giảm 1,7%; MWG giảm 1,6%; PLX giảm 1,5%...

Cổ phiếu ngành thép vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền. HSG tăng kịch trần, trắng bên bán và khớp lệnh 43,6 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, DTL và SMC cũng tăng kịch biên độ sàn HoSE. ACG tăng 4,6%; NKG tăng 4,3%, khớp lệnh 15,9 triệu cổ phiếu; VPG tăng 2,9%; TLH tăng 1,9%. HPG tăng 1,2% và cũng đạt mức khớp lệnh cao, ở mức 34,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, một số cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh và giảm sâu. QCG giảm mạnh nhất. Sau khi tăng giá lên 14.400 đồng thì mã này quay đầu giảm sàn về 13.150 đồng, theo đó, những nhà đầu tư mua đuổi cổ phiếu này trong phiên sẽ chịu mức thua lỗ lớn. HPX giảm 4,6%; ITC giảm 3,2%; NLG giảm 2,6%. Các mã này đều đạt được trạng thái tăng trong phiên.

Cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu tương tự cũng bị bán ra mạnh. EVG giảm sàn; TCR giảm 6,6%; VNE giảm 4,6%; DXV giảm 4,3%; VCG giảm 2,4%; FCM, HHV, FCN, CTD, LCG… giảm giá.