Sân bay Vân Đồn được "đặc cách" khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản trình Bộ Giao thông và Vận tải về kế hoạch cho phép Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) khai thác đường bay quốc tế không thường lệ kết hợp các điểm đến tại Việt Nam theo đề nghị của phía cảng Vân Đồn.

Theo đó, Cục Hàng không đề xuất cho phép Cảng Vân đồn được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ (các chuyên bay quốc tế không cố định) nhằm kết hợp khai thác các điểm đến du lịch và hạ tầng cảng mới của Việt Nam.

Sân bay Vân Đồn được đặc cách khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ - 1

Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, do doanh nghiệp tư nhân đứng ra đầu tư, khai thác

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện các hãng hàng không nước ngoài trong đó có Nga đã khai thác nhiều chuyến bay chở khách du lịch tới các địa điểm quen thuộc tại Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc...với thời gian lưu trú tương đối dài 1 - 2 tuần.

Tuy nhiên, Quảng Ninh là điểm mới nên bước đầu, việc xây dựng chương trình du lịch riêng qua Cảng hàng không Vân Đồn sẽ chưa thực sự thu hút được khách du lịch, việc quảng bá, giới thiệu Cảng hàng không quốc tế mới, điểm đến mới Vân Đồn - Quảng Ninh thông qua các phương tiện thông tin, các hội nghị, hội thảo sẽ không hiệu quả bằng việc đưa du khách đến trải nghiệm.

Cục Hàng không khẳng định, hiện tại mới có duy nhất đường bay nội địa thường lệ kết nối Quảng Ninh với thành phố Hồ Chí Minh nên du khách muốn khám phá đồng thời nhiều địa điểm tại Việt Nam sẽ phải sử dụng phương tiện đường bộ đến Sân bay Nội Bài, Cát Bi mới có thể kết nối với các đường hàng không đến miền Trung, miền Nam

Giai đoạn đầu, việc xây dựng sản phẩm du lịch cho khách nước ngoài kết hợp với nhiều điểm đến tại Việt Nam sẽ đem lại hiệu quả nhất định cho công tác quảng bá điểm đến mới, cảng hàng không mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều màu sắc.

Ngoài ra, việc Quảng Ninh nói chung, cảng Vân Đồn nói riêng chưa được biết đến nhiều so với các điểm đến khác tại Việt Nam đối với khách du lịch, hãng hàng không nước ngoài.

Trong điều kiện các hãng hàng không Việt Nam chưa có nhiều kế hoạch khai thác quốc tế đến cảng Vân Đồn, việc cho phép hãng hàng không nước ngoài kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp nhiều điểm đến tại Việt Nam là bước khởi đầu, khai phá thị trường.

Cục Hàng không Việt Nam đưa ra hai hương án khai thác nguồn khách du lịch quốc tế kết hợp hai điểm đến tại Việt Nam, trong đó phương án thứ nhất là sử dụng dịch vụ của hàng không Việt Nam, ưu điểm cả Cảng hàng không Vân Đồn, hãng hàng không Việt và công ty du lịch phối hợp xây dựng sản phẩm cho khác nước ngoài.

Phương án thứ hai là cho phép các hãng hàng không nước ngoài khai thác kết hợp nhiều địa điểm tại Việt Nam.

Phương án này theo Cục Hàng không Việt Nam là chỉ cấp phép cho các chuyến bay không thường lệ; chỉ cấp trên các đường bay không có hoạt động thường lệ (quốc tế và nội địa của hãng Hàng không Việt Nam và nhập, xuất cảnh toàn bộ, cả đoàn khách.

Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc công bố chính sách cho phép các hãng hàng không nước ngoài khai thác quyền vận chuyển khách tạm dừng giữa các điểm tại Việt Nam tại thời điểm hiện tại là chưa phù hợp.

Cục Hàng không Việt Nam khuyến khích Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trao đổi với các công ty du lịch lữ hành, ưu tiên phối hợp với các hãng hàng không Việt Nam xây dựng sản phẩm du lịch đưa khách du lịch nước ngoài đến kết hợp với nhiều địa điểm điểm tại Việt Nam trong đó các hãng hàng không Việt Nam là nhà chuyên chở.

Cục Hàng không khẳng định, trong trường hợp các hãng hàng không Việt không thể tham gia chuyên chở, Bộ Giao thông vận tải giao Cục hàng không xem xét cấp phép cho các hãng hàng không thực hiện hoạt động khai thác kết hợp nhiều điểm đến tại Việt Nam, phù hợp với các quy định hiện hành, theo nguyên tắc: không cấp cho các chuyến bay thường lệ, không cấp trên các đường bay có hoạt động khai thác quốc tế và nội địa của hãng hàng không Việt Nam; xuất nhập cảnh toàn bộ cả đoàn khách và không xem xé kết nối tới các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.

Nguyễn Tuyền