Sabeco lên phương án "chia hết tiền" trước khi bán vốn

(Dân trí) - Sabeco đã lên phương án phân phối toàn bộ lợi nhuận để lại từ năm 2015 trở về trước để trả cổ tức và xử lý các khoản dự phòng, các khoản nợ phải trả và khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt...

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Nguồn tin của Dân trí cho biết, Sabeco đã lên phương án phân phối lợi nhuận để lại từ năm 2015 trở về trước sau khi đã trích lập, loại trừ các khoản dự phòng, các khoản nợ phải trả, đặc biệt là xử lý khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2010-2012 và khoản thuế TTĐB bổ sung 2007-2009. Theo đó, lợi nhuận còn lại từ năm 2015 trở về trước là hơn 1.015 tỷ đồng.

Với phần lợi nhuận hơn 1.015 tỷ đồng còn lại trên, Phụ trách Ban điều hành Sabeco dự kiến sẽ trình Hội đồng quản trị chấp thuận thực hiện thanh toán cổ tức bổ sung với tỷ lệ 15%, tương ứng với số tiền gần 962 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ cùng với việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% năm 2016.

Như vậy, tính cả khoản tạm ứng và bổ sung cổ tức, Sabeco sẽ chi tới gần 2.886 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông. Cổ đông lớn nhất của Sabeco hiện là Bộ Công Thương với tỷ lệ sở hữu 89,59%, dự kiến sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức.

Đáng lưu ý, không còn "kêu oan" như giai đoạn trước, Sabeco dự kiến sẽ kiến nghị cổ đông xử lý toàn bộ số thuế TTĐB bổ sung từ năm 2010 - 2015 theo đúng nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, tại kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách Nhà nước với Cục thuế TPHCM, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục thuế, Cục thuế TPHCM truy thu hơn 2.479 tỷ đồng tiền TTĐB của Sabeco do các vi phạm về thuế TTĐB của Tổng công ty này. Số tiền thuế TTĐB đề nghị truy thu lần này đã trừ số kiến nghị truy thu năm 2013 hơn 400 tỷ đồng của Kiểm toán Nhà nước.

Do khoản truy thu trên, ngay ngày 2/11, Sabeco phải thực hiện sửa đổi bản BCTC riêng lẻ mà Tổng công ty này đã công bố trước đó 1 tuần. Tại báo cáo sửa đổi, do phải tăng trích lập dự phòng thuế TTĐB giai đoạn 2010-2012 lên 1.430,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm từ 5.953 tỷ đồng xuống còn 4.803 tỷ đồng.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất, cũng do khoản dự phòng thuế trên, dự phòng phải trả cũng tăng thêm 1.431 tỷ đồng lên 2.423 tỷ đồng tính đến thời điểm 30/9/2016.

Việc sử dụng phần lợi nhuận còn lại để chi trả cổ tức và xử lý khoản truy thu thuế TTĐB chắc chắn sẽ khiến Sabeco giảm mạnh tài khoản tiền và khoản lãi nhờ gửi tiền vào ngân hàng. Hiện ông lớn ngành bia này đang được mệnh danh là một trong số những "ông vua tiền mặt" với lượng tiền mặt, tương đương tiền cùng với tiền gửi các kỳ hạn vượt con số 10 nghìn tỷ đồng tính tại thời điểm cuối tháng 9/2016. Trong 9 tháng công ty thu về 344 tỷ đồng tiền lãi tiền gửi.

Sabeco đã nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM dự kiến sẽ lên sàn cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm nay với mức giá chào sàn, theo một nguồn tin, dự kiến ở khoảng 110.000 - 130.000 đồng/cổ phiếu. Do những thông tin liên quan tới niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước, giá cổ phiếu Sabeco trên sàn OTC tăng liên tục trong thời gian qua và hiện đang được chào mua quanh mốc 130.000 đồng/cổ phiếu.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Sabeco đạt doanh thu 21.822 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.658 tỷ đồng - tăng 24,5% so với cùng kỳ. Trong quý III, Sabeco cũng đã hoàn thành thoái vốn tại CTCP Thủy điện Miền Trung (SHP) và CTCP Đầu tư Sabeco Pearl (chủ đầu tư dự án đất vàng nghìn tỷ đồng toạ lạc tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, TPHCM).

Phương Dung