1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Rút ngoại tệ về để cất kho ư? Không có chuyện đó”

Nhà điều hành nêu rõ, việc áp trần lãi suất USD 0%/năm là để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ...

 


Theo nhận định của lãnh đạo ngân hàng thương mại, chính sách mới sẽ tác động để dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

Theo nhận định của lãnh đạo ngân hàng thương mại, chính sách mới sẽ tác động để dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

Từ hôm nay (28/9), Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng chỉ được áp lãi suất 0%/năm đối với tiền gửi USD của các tổ chức, với tiền gửi USD của các cá nhân chỉ còn 0,25%/năm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã dùng đến biện pháp gần như cuối cùng về phía lãi suất USD tại Việt Nam để trực tiếp nới chênh lệch với lãi suất VND theo hướng có lợi hơn cho đồng nội tệ, qua đó tác động đến tỷ giá.

Thông cáo của nhà điều hành về quyết định trên cũng nêu rõ, việc áp trần lãi suất USD 0%/năm như vậy là để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, có một số câu hỏi khác được đặt ra. Tín dụng ngoại tệ tăng cao từ đầu năm, nay một cấu phần của yếu tố nguồn có tác động lớn từ chính sách lãi suất nói trên có dẫn đến mất cân đối và ảnh hưởng đến thanh khoản hay không?

Liên quan, yếu tố nguồn của tín dụng ngoại tệ trong thời gian tới sẽ xác định như thế nào? VnEconomy đã trao đổi với chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng thương mại về những câu hỏi trên.

Đích đến đã định trước

Theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước cần được đặt trong cả một quá trình, cũng như đích đến của chính sách.

Chống đô la hóa trong nền kinh tế là chủ trương mà Việt Nam đã theo đuổi chục năm qua, với mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng đồng tiền Việt Nam, sâu xa hơn nữa là từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND.

Lộ trình thực hiện chủ trương đó đã thể hiện và đạt được những kết quả nhất định; lãi suất tiền gửi USD đã từng bước giảm dần, chính sách tín dụng ngoại tệ cũng từng bước thiết lập các điều kiện chặt chẽ hơn.

“Thời gian vừa qua là giai đoạn quá độ. Nay, lãi suất tiền gửi USD giảm xuống 0%/năm đối với tổ chức và 0,25%/năm đối với cá nhân là một đích đến, nhất quán với chủ trương và lộ trình đó mà thôi, một đích đến đã được xác định từ trước”, TS. Trương Văn Phước nhìn nhận.

Với lãi suất 0%/năm, liên quan là nguồn vốn huy động, ông nói: “Không nên lo các tổ chức, doanh nghiệp rút tiền gửi ngoại tệ mà ảnh hưởng đến thanh khoản. Rút ngoại tệ về để cất kho ư? Không có chuyện đó. Họ sẽ tính toán lợi ích để chuyển đổi. Ngoại tệ vẫn nằm đó chứ có ra khỏi Việt Nam đâu, khi doanh nghiệp chuyển đổi thì nó vẫn là một khoản mục nằm trong cơ cấu vốn của ngân hàng”.

Theo đó, quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước tạo thêm lợi thế cho VND, kích thích thêm nguồn cung ngoại tệ và liên quan là tạo điều kiện để kiểm soát tỷ giá. Đây cũng là một đích đến trực tiếp bên cạnh chống đô la hóa nói trên.

“Theo tôi thấy, Ngân hàng Nhà nước đã chọn thời điểm, có thể nói là thời điểm quá tốt cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi. Họ có ngoại tệ, đã hưởng lãi suất thời gian qua và tỷ giá đã được điều chỉnh lên mức cao”, ông Trương Văn Phước nhìn nhận.

Khi chuyển đổi, vốn ngoại tệ huy động thành vốn ngoại tệ thương mại, vẫn nằm trong cấu phần vốn của các ngân hàng, nên không quá lo ngại về ảnh hưởng đối với thanh khoản và tín dụng ngoại tệ thời gian tới.

Vốn sẽ luân chuyển hơn

Cùng với nhận định trên, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng điểm đến đầu tiên của chính sách mới này là quá trình giảm đô la hóa trong nền kinh tế tiến thêm một bước, tạo thêm điều kiện để có thể gia tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Mục đích chung, theo ông Thọ, Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm soát tốt hơn sự chu chuyển của các dòng vốn, góp phần thực hiện các chính sách tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế vĩ mô, chứ không chỉ riêng mục tiêu của chính sách điều hành tỷ giá.

Ở góc nhìn của một ngân hàng thương mại, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, vốn ngoại tệ của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu có tính chất lưu động, dùng để hoàn trả cho những nguồn ứng trước. Trong quá trình này, thời gian qua có hiện tượng găm giữ nhất định, nên chính sách mới sẽ tác động để dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

“Về vấn đề thanh khoản, hay mối liên hệ là tín dụng ngoại tệ, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đã tính toán kỹ rồi. Cái chính ở đây là doanh nghiệp cần tính toán lợi ích, chuyển đổi để có lợi ích cao hơn. Bởi lẽ, với quyết định này, vị thế VND tiếp tục được khẳng định, tỷ giá sẽ giao động phù hợp và được kiểm soát trong biên độ định hướng”, ông Thọ nói.

Tổng giám đốc VietinBank giải thích thêm, nếu doanh nghiệp và người dân tăng cường chuyển đổi, ngoại tệ vẫn nằm trong cơ cấu vốn của các ngân hàng. Mặt khác, dù giảm xuống còn 0,25%/năm, nhưng tiền gửi ngoại tệ từ dân cư vẫn là một cấu phần quan trọng. Cùng đó, hiện các ngân hàng thương mại trong nước cũng đã và đang tiếp cận các nguồn vốn quốc tế.

Vậy nên, theo ông Lê Đức Thọ, yếu tố nguồn đối với tín dụng ngoại tệ không phải là vấn đề đáng quan ngại, mà dòng chảy của nó như thế nào trong thời gian tới tùy thuộc vào điều kiện và chính sách của Ngân hàng Nhà nước - hiện chưa có thay đổi.

Theo Minh Đức
VnEconomy

“Rút ngoại tệ về để cất kho ư? Không có chuyện đó” - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm