Rước hàng Trung Quốc gắn mác "Made in Việt Nam": Thôi đừng nói đạo đức kinh doanh

Khaisilk lấy hàng Tàu gắn mác “made in Việt Nam” để lừa khách hàng, Mumuso nhập nhèm xuất xứ,... những dẫn chứng cho thấy nhiều DN đã không chú ý đến đạo đức kinh doanh, văn hóa DN.

“Hà Văn Thắm có đạo đức kinh doanh không?”

"Trên toà, ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch OceanBank) nhận tội thay nhân viên. Vậy hành vi của ông Thắm có phải là người kinh doanh có đạo đức không?” - TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp, nhắc lại chuyện của ông Thắm tại hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh” ngày 18/9.

Trả lời câu hỏi ấy, ông Cương cho rằng: "Không phải! Nếu có đạo đức kinh doanh thì phải thượng tôn pháp luật. Trường hợp này ông ấy phạm luật, làm hàng loạt cấp dưới vào tù, nên ông ấy không có đạo đức kinh doanh".


Khaisilk nhận cái giá quá đắt khi lừa dối khách hàng

Khaisilk nhận cái giá quá đắt khi lừa dối khách hàng

Nói tiếp về chuyện Khaisilk, Mumuso bán hàng nhập nhèm xuất xứ bị Bộ Công Thương “tuýt còi”, ông Đỗ Minh Cương cho rằng: Hành vi như thế là không đạt chuẩn của đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp.

Ông Cương nhấn mạnh những hành động kinh doanh kiểu ấy đã thiếu đi các tiêu chuẩn của đạo đức kinh doanh là tuân thủ pháp luật, trung thực, không làm ảnh hưởng người tiêu dùng, làm ăn gian dối.

Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hoá, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các doanh nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể...

“Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hoá và đạo đức kinh doanh phải luôn luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình,...”, bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng biên tập báo Văn hóa, khẳng định.

Xây dựng văn hóa DN: Thách thức từ lãnh đạo

Ông Phạm Đức Bình, CEO Công ty cổ phần Công nghệ BNC Việt Nam, chia sẻ: "Kiểu cách thường thấy ở một người lãnh đạo truyền thống là ngồi trên cỗ xe ngựa cầm roi phất cờ. Nhưng, tôi nghĩ giờ đây lãnh đạo phải là con ngựa đầu đàn kéo kéo cả cỗ xe, chứ không phải ngồi trên phất cờ".

“Bản thân người điều hành DN phải làm sao tạo ra nền tảng văn hóa trong DN từ những cái nhỏ nhất như câu chào, cách mọi người giao tiếp với nhau...”, ông Bình nói.


Đạo đức kinh doanh phải được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình

Đạo đức kinh doanh phải được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Văn hóa doanh nghiệp là nhân tố dẫn đường, soi đường cho DN, tạo ra nhiều giá trị, lợi ích cho DN. Nó giúp DN vượt qua sóng gió, bão tố để lớn mạnh hơn.

Dù nhận thức về văn hóa DN ngày một tăng lên, kể cả ở DN nhỏ và vừa, nhưng ông Vinh thừa nhận để có thể xây dựng văn hóa DN “mất rất nhiều thời gian”. Cho nên, vai trò người đứng đầu, người cầm lái “là rất quan trọng” trong hình thành các nét văn hóa DN, để rồi các giá trị đó thẩm thấu vào giá trị của DN, vào chiến lược cạnh tranh, kinh doanh của DN.

Ông Đỗ Minh Cương nhấn mạnh: Các DN phải có thái độ và nhận thức đúng, đầy đủ về văn hóa doanh nghiệp; phải coi đó là nguồn lực phát triển, là cách thức để quản trị, là cái tạo ra giá trị và sự phát triển bền vững của DN.

Ông Cương liệt kê 6 “thước đo” văn hóa DN. Đó là doanh nhân phải là người có văn hóa; doanh nhân đó phải thực sự bắt tay thực thành văn hóa DN; có tinh thần thượng tôn pháp luật; có đạo đức kinh doanh; có trách nhiệm với xã hội; cạnh tranh lành mạnh.

Ông Phạm Đức Bình nhận định: Trong thời buổi thị trường thay đổi như vũ bão, việc xây dựng văn hóa DN cũng có lúc bị coi nhẹ. Việc xây dựng thương hiệu cũng bị coi nhẹ hoặc nhận thức bị sai lệch. Việc chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mà không quan tâm đến hình ảnh chính là vết đứt trong sự phát triển, làm sự phát triển đó không bền vững, trái ngược với vẻ bề ngoài của sự thành công trước mắt.

Nguyên nhân của thái độ coi nhẹ này thường đến từ lãnh đạo DN. Vì giá trị của thương hiệu cũng như giá trị của văn hóa khó đo lường, không ít nhà quản lý thường bỏ qua, hoặc ràng buộc nhân viên bằng các quy định, để “văn hóa” phát triển tự phát.

“Đến một lúc nào đó, lãnh đạo giật mình nhận ra DN của mình không có bản sắc gì, nhận ra sự chia rẽ, bè phái hay tật xấu của nhân viên thì đã không thể khắc phục. Doanh nghiệp khi đó buộc phải “đại phẫu” nếu không muốn bị sụp đổ", ông Bình cảnh báo.

Theo Hà Duy
VietnamNet

Rước hàng Trung Quốc gắn mác "Made in Việt Nam": Thôi đừng nói đạo đức kinh doanh - 3