Rủi ro trái phiếu: Lộ diện các doanh nghiệp lỗ, nợ trên vốn "siêu khủng"
(Dân trí) - Trong 358 DN phát hành năm 2021, có 57 doanh nghiệp lỗ trước khi phát hành; 45 DN có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 lần, 10 DN có tỷ lệ phát hành trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
57 doanh nghiệp lỗ trước khi phát hành
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển nhanh trong thời gian bộc lộ một số tồn tại và tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường trong cả trước mắt và dài hạn.
Ủy ban Kinh tế đã cảnh báo như vậy trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp gửi Quốc hội mới đây.
Theo báo cáo, quy mô thị trường TPDN Việt Nam so với GDP còn nhỏ (chiếm 15%), thấp hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan (24,8%), Singapore (36,5%), Malaysia (56,8%)... Tuy nhiên, thị trường có thời điểm tăng trưởng "nóng", thiếu tính ổn định; khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ của quý I năm nay tăng cao so với năm 2020 nhưng lại sụt giảm và thay đổi đáng kể về cơ cấu chủ thể phát hành ngay trong tháng 4.
Trong đó, TPDN riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 50,9% khối lượng phát hành trong quý I năm nay nhưng giảm xuống chỉ còn 11,6% trong tháng 4.
Hiện tượng này, theo Ủy ban Kinh tế, là do tác động từ quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, cơ cấu thị trường trái phiếu TPDN còn thiếu cân đối, phát hành TPDN riêng lẻ chiếm xấp xỉ 95% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Trong khi đó, phát hành TPDN ra công chúng chỉ chiếm khoảng 5% tổng khối lượng phát hành.
Về cơ cấu chủ thể phát hành, có khoảng 70% tổng khối lượng TPDN phát hành thuộc các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản và các công ty chứng khoán.
Việc các công ty bất động sản luôn chiếm tỷ trọng cao trong phát hành TPDN (từ khoảng 30-50% tổng khối lượng phát hành), theo Ủy ban Kinh tế, tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường TPDN sẽ gắn với rủi ro của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, việc phát hành TPDN của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế (khối lượng phát hành của doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp sản xuất, thương mại chỉ chiếm từ 11-15% tổng khối lượng phát hành). Do đó, thị trường TPDN chưa phát huy tối ưu chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
So với TPDN phát hành ra công chúng, chất lượng TPDN phát hành riêng lẻ cũng được chỉ ra là còn chưa cao. Cụ thể theo Ủy ban Kinh tế, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 358 doanh nghiệp phát hành năm 2021, có 57 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 lần và 10 doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp phát hành kinh doanh lỗ, nợ lớn 5 lần so với vốn chủ sở hữu
Ủy ban Kinh tế cũng lo ngại trước một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp từ 5 lần trở lên so với vốn chủ sở hữu - mức cao so với phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.
Trong đó có doanh nghiệp quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, dưới 100 tỷ đồng. Một số tổ chức phát hành là công ty chưa niêm yết, không phải công ty đại chúng, có thời gian hoạt động ngắn, khó tìm kiếm thông tin về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, không có trang web. Một số doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ hoặc tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) thấp dưới 1%.
Theo công bố thông tin định kỳ tại chuyên trang TPDN, Công ty TNHH Hưng Thắng lợi Gia Lai lỗ 188,7 tỷ đồng năm 2020. Công ty cổ phần Outstanding Investment lãi 107 triệu đồng, ROE 0,21% năm 2020. Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đầu tư Đỏ lỗ 13,5 tỷ đồng; ROE -16,95% năm 2020. Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc lỗ 964 tỷ đồng; ROE -40% năm 2020…
Một số doanh nghiệp bất động sản huy động khối lượng lớn TPDN riêng lẻ với lãi suất cao tới 12-13%/năm, gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương phát hành 4.670 tỷ đồng lãi suất 12,9%/năm; Công ty cổ phần Osaka Garden phát hành 3.400 tỷ đồng lãi suất 13,65%/năm; Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh phát hành 3.130 tỷ đồng lãi suất 13,65%/năm; Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt phát hành hơn 2.300 tỷ đồng với lãi suất 12-13%.
Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế cảnh báo việc một bộ phận TPDN phát hành riêng lẻ của tổ chức phát hành là trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu chưa niêm yết, các dự án, tài sản hình thành trong tương lai, khó xác định giá trị hợp lý hoặc giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu, dự án bất động sản có thể được nâng giá bất thường thông qua giao dịch cổ phiếu, đấu giá đất.
Trong năm 2021, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,8%; không có tài sản đảm bảo chiếm 50,2%. Trong đó trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty chứng khoán phát hành.
Đối với trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, 88% khối lượng phát hành là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Trong quý I/2022, trái phiếu có tài sản đảm bảo chiếm 76,6% tổng khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Phát hành sai mục đích, thiếu minh bạch
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng đề cập tới hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành TPDN riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. Cụ thể, trong hồ sơ công bố thông tin phát hành lô trái phiếu trị giá 3.230 tỷ đồng do Công ty CP Cung điện Mùa Đông phát hành ngày 16/12/2021, không đề cập đến mục đích sử dụng vốn.
Trong khi 2 lô phát hành riêng lẻ trước đó có đề cập đến mục đích sử dụng vốn nhưng số vốn hoàn toàn sử dụng sai mục đích, không sử dụng vào hoạt động kinh doanh theo hồ sơ trái phiếu, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo cơ quan này, một số doanh nghiệp thông qua các công ty có liên quan (hầu hết là doanh nghiệp chưa niêm yết, công ty không phải là công ty đại chúng) đóng vai trò như các công ty được thành lập để phục vụ cho mục đích huy động vốn hoặc cơ cấu lại nợ của công ty mẹ huy động vốn với giá trị lớn qua kênh TPDN riêng lẻ.
Một số doanh nghiệp phát hành (cho bên mua là TCTD) để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.
Việc chuyển vốn huy động từ phát hành TPDN "lòng vòng" qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư, Ủy ban Kinh tế lo ngại.
"Đặc biệt trong trường hợp dự án đầu tư gặp khó khăn, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển vốn có thể mất khả năng thanh toán đồng thời tạo nên hiệu ứng dây chuyền trên thị trường TPDN", Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Tuy nhiên theo cơ quan này, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó tiếp cận.