1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Rủi ro lãi suất và tỷ giá kéo dài: Doanh nghiệp ứng phó ra sao?

(Dân trí) - Thông điệp của Chính phủ gần đây đã phát đi về tiếp tục chính sách thắt chặt, thận trọng… báo hiệu rằng, nguồn vốn từ khu vực ngân hàng theo đó sẽ tiếp tục khan hiếm, đẩy rủi ro lãi suất và tỷ giá gia tăng.

Dưới đây là ý kiến của Thạc sỹ Lê Văn Hinh (chuyên gia kinh tế của Vietnam Report) nhận định về vấn đề này

Doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro trước thời lạm phát

Nhìn vào cơ cấu vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp đang dựa vào 2 nguồn tài chính chủ yếu là tín dụng ngân hàng và vốn phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên hai năm trở lại đây, việc huy động qua cổ phiếu trong điều kiện thị trường chứng khoán hiện nay đã trở nên hết sức khó khăn do giá chứng khoán giảm liên tục. Thực tế này đã buộc các doanh nghiệp phải huy động thông qua vay nợ từ các nguồn khác, trong đó vay nợ ngân hàng chiếm tỷ lệ khá lớn.

Rủi ro lãi suất và tỷ giá kéo dài: Doanh nghiệp ứng phó ra sao? - 1

Nhiều rủi ro về lãi suất và tỷ giá đang gây áp lực cho doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Trong khi đó, thông điệp của Chính phủ gần đây đã phát đi về tiếp tục chính sách thắt chặt, thận trọng… báo hiệu rằng, nguồn vốn từ khu vực ngân hàng theo đó sẽ tiếp tục khan hiếm và chắc chắn sẽ là vấn đề trung hạn, trong vài năm nữa. Thực trạng đang đe dọa đến nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng như sức ép lãi suất.

Tôi cho rằng, trong điều kiện cấu trúc tài chính doanh nghiệp dựa vào ngân hàng và thời hạn vay chủ yếu là ngắn hạn (chiếm hơn 80% vốn vay ngân hàng), cũng như doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ nhiều thì rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua và tới đây là rất cao.

Thực tế cho thấy, từ vài năm gần đây (nhất là từ cuối năm 2010), các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang chuyển sang cơ chế lãi suất thả nổi (biến động theo thị trường); Lãi suất cho vay của NHTM hiện tại đã trên 20%.

Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam năm 2010 cho thấy chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được khảo sát chịu đựng được mức lãi suất vay từ 16-20%/năm (vào thời điểm đầu năm 2010).

Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ sẽ thu nhỏ quy mô sản suất nếu lãi vay ngân hàng tiếp tục gia tăng cùng với điều kiện môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, ngân hàng lại đang ở thế cho vay độc quyền cao thì doanh nghiệp lại càng chịu đủ mọi rủi ro lãi suất là điều tất yếu.

Trong thời gian qua, có dấu hiệu rằng các doanh nghiệp đã giải bài toán lãi suất cao bằng cách chuyển sang vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn (lãi suất vay VND thường 20% trong khi lãi suất vay USD chỉ khoảng 5%/năm). Tuy nhiên, ở phương diện nào đó, doanh nghiệp đang tự tích lũy rủi ro.

Diễn biến tỷ giá những tuần đầu tháng 8/2011 cho thấy, vấn đề rủi ro tỷ giá đối với khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang là mối quan ngại. Dự báo, vào thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm 2012, sẽ là thời điểm nhạy cảm về biến động tỷ giá.

Chiến lược thoát ra

Rõ ràng, cơ cấu tài chính thực tại của các doanh nghiệp Việt Nam khá bất hợp lý và bất cân đối, rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá vẫn là vấn đề đáng quan ngại trong thời gian tới.

Bởi vậy, các doanh nghiệp được khuyến nghị rằng, trong bất kỳ điều kiện khó khăn nào, cũng cần cơ cấu lại một cách tổng thể ở tất cả các khâu, xác định rõ hơn định hướng phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, sản phẩm chủ chốt, đặt ra các nguy cơ rủi ro.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại tài chính. Kinh nghiệm cho thấy, hình thức cơ cấu lại tài chính cắt giảm chi phí có thể cắt giảm được (chi phí lương nhân công, chi phí trung gian) và cố gắng tìm nguồn tài chính giá rẻ và ổn định, chấp nhận chuyển nhượng sở hữu doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, vấn đề cắt giảm chi phí nhân sự của các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần diễn ra thuận lợi hơn so với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp dừng vay ngân hàng, đồng nghĩa với thu hẹp hay dừng sản xuất kinh doanh, cắt bớt hợp đồng kinh tế  và do đó nhiều doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục cầm chừng sản xuất …

Đối với vấn đề mua bán – sáp nhập, ở Việt Nam dường như diễn ra khá khó khăn có khá nhiều quan điểm nhìn nhận tiêu cực về sáp nhập (theo nghĩa, sự mất mát, sự thôn tính…).  

Nhưng nếu nhìn ở góc độ ngược lại, việc chấp nhận bán công ty, chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược cần được nhìn nhận và coi là chiến lược thoát ra trong quá trình cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp.

Đối tác chiến lược mới cũng sẽ là luồng gió mới thay đổi doanh nghiệp, những điều mới  này sẽ không những làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi tình trạng rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá hiện thời mà cả trong tương lai là nâng cao giá trị doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển tốt hơn của doanh nghiệp.

Lan Hương (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm