Rủi ro chính sách, nhiều sếp doanh nghiệp lo “nay anh hùng, mai là tội đồ”

(Dân trí) - Chính sách vĩ mô được đánh giá là đã hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán, đưa VN-Index đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn than phiền về khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, không ít người lo ngại ngày nay là anh hùng nhưng mai có thể là tội đồ.

Cần tăng cường cải cách hành chính để thị trường chứng khoán “cất cánh”

Tại tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” diễn ra chiều qua (22/7), tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn - Thanh Hóa, ông Trần Đắc Sinh - nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán T P.HCM chia sẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tuổi 17 - chặng đường chưa dài nhưng những kết quả đạt được bước đầu là một thành quả đáng ghi nhận.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo đó, mức vốn hóa thị trường hiện nay đã đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017 và HNX-Index tăng hơn 23%.

Theo nhận định của TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển đó chính là việc Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích doanh nghiệp (DN) tư nhân, cải cách DN nhà nước.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ: "Tôi đã gặp nhiều DN, họ than phiền rằng còn khoảng cách rất lớn giữa chính sách đề ra và việc thực thi chính sách. Nhiều sếp DN còn e ngại việc thực hiện đầu tư. Họ nói có thể ngày nay tôi là anh hùng, nhưng ngày mai có thể là tội đồ. Điều đó có nghĩa, nếu làm gì khác thường so với quy định họ rất có thể sẽ gặp khó khăn".

Do đó, theo ông, Chính phủ cần tăng cường cải cách hành chính, giảm bớt chi phí thời gian và tiền bạc cho DN, có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự phát triển và thị trường chứng khoán mới cất cánh.

Cảnh giác với tăng trưởng tín dụng “nóng”

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cảnh báo, nhà đầu tư có quyền lạc quan trước những chuyển biến của nền kinh tế nhưng cũng nên cẩn trọng trong các vấn đề chứng khoán. Cụ thể, theo ông Hiếu, mức tăng trưởng tín dụng 18% là cao. Nếu năm nay muốn GDP tăng 6,7% thì tăng trưởng tín dụng nên ở mức vào khoảng hơn 17%.

"Mục tiêu tăng trưởng 18% là cao rồi!", ông Hiếu nói. "Gần đây, có một số ý kiến tăng trưởng tín dụng đến 20% sẽ đẩy kinh tế nước ta đến mức dư thừa tín dụng. Chúng ta nên cẩn trọng về vấn đề tăng trưởng tín dụng", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cũng khuyến nghị, nhà đầu tư nên bình tĩnh và tỉnh táo. Đồng thời cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên đặt mục tiêu vừa phải cho tăng trưởng tín dụng, còn mức 18% như hiện nay là cao.

Tại tọa đàm, với vai trò là người dẫn, ông Trần Đắc Sinh đặt vấn đề: Với giá trị giao dịch trung bình trên thị trường đạt 200 triệu USD/ngày, chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường sôi động của châu Á. Liệu những biến động có làm nguy hiểm cho các nhà đầu tư?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán SSI khẳng định, đối với những nhà đầu tư lâu dài, họ sẽ không lo về ngắn hạn. Hiện tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam so với tổng tiết kiệm chỉ đạt mức khoảng 30%, trong khi tại các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia cao hơn rất nhiều, khoảng 100%.

Vị chuyên gia cho rằng, lượng tiền trong dân rất nhiều, điều quan trọng là phải kéo luồng tiền trong dân vào chứng khoán, tăng vốn hóa thị trường. Lãi suất ngân hàng ở mức thấp thì thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi.

"Càng nhiều cổ phiếu tốt thì càng không phải lo cung sẽ vượt cầu bởi khi còn cổ phiếu tốt thì sẽ thu hút được dòng tiền, dòng tiền sẽ tự nhiên xuất hiện", ông Linh nhìn nhận.

Duy Tuyên