“Rót” hơn 2.000 tỷ đồng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, thời gian thi công là 2 năm.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Trong đó gần 1.500 tỷ đồng xây dựng, hơn 182 tỷ đồng cho thiết bị, hơn 108 tỷ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn. Chi phí dự phòng hơn 280 tỷ đồng. Do dự án nằm trong ranh giới đất của Cảng hàng không nên không phải giải phóng mặt bằng.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo trong 2 năm 2020 - 2021. Trong đó, thời gian thi công hạng mục công trình thuộc đường cất hạ cánh 25R/07L khoảng 6 tháng (không bao gồm công tác hoàn thiện thủ tục nghiệm thu và bay hiệu chỉnh). Thời gian thi công các hạng mục công trình còn lại khoảng 14 tháng.
Theo CIPM, các mốc tiến độ cụ thể này là dự kiến, tùy theo điều kiện thực tế hiện trường khai thác bay và thỏa thuận cụ thể với đơn vị khai thác bay Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) mà có thể thi công đồng thời các hạng mục đồng thời với hạng mục đường cất hạ cánh 25R/07L, hoặc thi công sau.
Mục tiêu của dự án là cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L để đáp ứng khai thác các loại tàu bay Code E thế hệ mới có áp suất bánh hơi lớn; tần suất khai thác nhiều với công suất 50 triệu hành khách/năm.
Xây dựng các đường lăn thoát nhanh giữa đường cất hạ cánh 25R/07L và 25L/07R; Xây dựng mới đường lăn song song giữa đường cất hạ cánh 25L/07R và đường lăn song song hiện hữu; Các hạng mục liên quan đồng bộ khác; Đầu tư hệ thống trang thiết bị phù hợp để nâng cao năng lực khai thác cho Cảng hàng không.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện hữu gồm hai đường cất hạ cánh cách nhau 365m và hệ thống các đường lăn song song, đường lăn nối và đường lăn thoát nhanh.
Kết cấu đường băng, đường lăn được tính toán đảm bảo khai khác cho loại tàu bay B777-300ER và tương đương. Khả năng khai thác tối đa 36-38 triệu hành khách/năm, tương đương 231.000 lần cất hạ cánh/năm.
Tuy nhiên, Vảng hiện đang được khai thác với nhiều loại tàu bay có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn hơn nhiều so với máy bay thiết kế. Tổng số lượt máy bay khai thác (quy đổi về máy bay thiết kế B777300ER) hiện đã vượt quá số lượt máy bay tính toán, lượng hành khách thông qua Cảng đến nay đã đạt khoảng 222% công suất thiết kế. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đường cất hạ cánh và đường lăn bị xuống cấp ngày càng nhanh, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay.
Trước đó, Bộ GTVT khẳng định sẽ là chủ đầu tư của Dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; CIPM tổ chức quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41, thống nhất dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất được thực hiện “theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Châu Như Quỳnh