Rò rỉ tài liệu của Síp về cuộc di cư bí mật của giới nhà giàu Trung Quốc

Nhật Linh

(Dân trí) - Tài liệu này chứa đựng thông tin của 2.500 người nhập cư đến đảo Síp trong thời gian từ năm 2017-2019, làm sáng tỏ về cuộc di cư bí mật của giới thượng lưu Trung Quốc.

Rò rỉ tài liệu của Síp về cuộc di cư bí mật của giới nhà giàu Trung Quốc - 1

Đảo Síp là cánh cửa để giới nhà giàu bước chân vào châu Âu

Theo một tài liệu bị rò rỉ do đơn vị điều tra của đài Al Jazzeera thu thập được, hơn 500 người Trung Quốc đã có quốc tịch châu Âu tại đảo Síp trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019.

Tài liệu này chứa đựng thông tin của 2.500 người nhập cư đến đảo Síp trong thời gian trên đã làm sáng tỏ về cuộc di cư bí mật của giới thượng lưu Trung Quốc.

Đài Al Jazeera - đài truyền hình quốc gia của Qatar, không tiết lộ danh sách đầy đủ những người nhập cư đã được cấp quyền công dân ở đảo Síp theo chương trình hộ chiếu vàng. Nhưng trong số hơn 500 người Trung Quốc đã được chấp thuận, đài này đã tiết lộ danh tính của 8 người, trong đó, dẫn đầu là bà Yang Huiyan, chủ của tập đoàn bất động sản Country Garden.

Bà Yang được Forbes vinh danh là người phụ nữ giàu thứ 6 thế giới trong năm 2020, với khối tài sản lên đến 20,3 tỷ USD.

Ở Trung Quốc, công dân có quyền nộp đơn xin thường trú hoặc nhập quốc tịch ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi một người đó có quốc tịch nước ngoài thì quyền công dân Trung Quốc cũng tự động mất đi. Bởi Trung Quốc không chấp nhận hai quốc tịch.

Trong số 8 người Trung Quốc được Al Jazeera nêu tên, thì có 5 người, bao gồm cả bà Yang, được cho là những người có liên quan đến chính trị. Họ có thể là thành viên hoặc có người nhà là thành viên của các ủy ban tham vấn chính trị và lập pháp ở Trung Quốc.

Tài sản của bà Yang chủ yếu đến từ bố của bà, ông Yeung Kwok Keung – một thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Theo tài liệu trên, bà Yang đã được nhập quốc tịch Síp vào ngày 23/10/2018.

Một thành viên khác cũng thuộc nhóm có liên quan đến chính trị là Lu Wenbin, một đại biểu của Đại hội nhân dân Thành Đô. Theo tài liệu, ông Lu đã được cấp hộ chiếu đảo Síp từ tháng 7/2019. Ông này hiện là chủ tịch của Tập đoàn công nghệ thông tin Sichuan Troy.

Mặc dù các doanh nhân giàu có Trung Quốc thường là thành viên của cơ quan lập pháp địa phương và các ủy ban tham vấn chính trị, nhưng họ có thể bị tước tư cách thành viên nếu bị phát hiện mang hộ chiếu nước ngoài hoặc không khai báo cư trú nước ngoài.

Cách đây 1 năm, Sun Xiang, một đại biểu của Đại hội Nhân dân Hà Bắc, đã bị tước tư cách thành viên sau khi bị phát hiện mang hộ chiếu từ đảo quốc Saint Kitts và Nevis ở Caribbean từ năm 2011.

Cũng vào năm ngoái, Zhou Yanbo, chủ tịch một trường tư thục, cũng đã bị tước tư cách thành viên trong Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân tỉnh Sơn Tây vì che giấu việc cư trú tại Canada, mặc dù thời gian cư trú đã hết hạn vào năm 2018 và ông này vẫn chưa gia hạn tiếp.

Trung Quốc có quy định rất nghiêm ngặt đối với các nhân viên của các cơ quan chính phủ và các tổ chức công, cũng như các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước. Theo luật mới của Trung Quốc vừa có hiệu lực hồi tháng 7/2020, “các nhân viên trong lĩnh vực công” có thể bị sa thải nếu bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài hoặc thường trú ở nước ngoài mà chưa được thông qua.

Theo Al Jazeera, hiện công dân Trung Quốc đứng thứ 2 về số lượng người nộp đơn tham gia chương trình hộ chiếu vàng của Sip, sau Nga. Chương trình này yêu cầu người tham gia phải đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (tương đương 2,54 triệu USD) mới có hộ chiếu của quốc đảo này.

Hộ chiếu Síp được giới nhà giàu ưa chuộng bởi không yêu cầu cư trú thực tế tại quốc đảo này, đồng thời cho phép đi lại, làm việc và sử dụng ngân hàng miễn phí ở tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, hộ chiếu vàng có thể giúp các nhóm tội phạm thâm nhập vào châu Âu, đồng thời làm tăng nguy cơ rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế.