Rộ "mốt" săn lợn Mường ăn Tết

Những ngày cuối năm, “mốt” săn lợn Mường ăn Tết được không ít các gia đình khá giả ở Hà Nội hoặc những đại gia, công ty, đơn vị... để phục vụ tiệc liên hoan, tất niên và ăn Tết.

Anh Chuyên, một nhân viên Công ty Xây dựng ở Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, đơn vị có truyền thống lấy hàng tạ lợn Mường rồi thuê nhà hàng chế biến thành các món ăn để cán bộ, công nhân viên trong công ty liên hoan tổng kết cuối năm. Chúng tôi phải nhờ người lên tận vùng Đà Bắc (Hòa Bình) hay vùng Sơn La tìm đặt mới có lợn Mường ngon chuyển về…

Lợn Mường được chế biến thành nhiều món đặc sản như tiết canh, món nướng, món hấp, dựa mận, canh măng… Làm nên tính hấp dẫn cho những món ăn đặc sản nhưng cũng hết sức dân dã, sự nguyên chất của từng nguyên liệu, từ các gia vị để chế biến món lợn Mường đến cách chế biến đều theo phong cách dân tộc Mường.
 
Thịt lợn Mường được chế biến thành nhiều món ăn ngon

Thịt lợn Mường được chế biến thành nhiều món ăn ngon

Theo anh Chuyên, công ty đông cán bộ nhân viên, hàng trăm cân lợn Mường được chế biến thành nhiều món như vậy, chỉ một bữa là “hết veo” chẳng thấm tháp vào đâu. Giá bán bình quân một kg thịt "lợn cắp nách" trên vùng cao là trên dưới 100.000 đồng/kg, thịt lợn Mường có giá cao hơn thịt lợn bình thường và khó mua hơn.

Tết này, gia đình anh Nguyên ở Hà Đông cũng săn tìm cho gia đình một 1 -2 con lợn Mường để chế biến các món để ăn Tết. Theo anh Nguyên, để  mua được một con lợn Mường ngon, anh phải gửi người quen chạy ô tô khách tuyến Hà Nội – Sơn La. Khi lợn Mường gửi về, trưa 30 Tết anh gọi anh em họ hàng nội ngoại giết mổ chế biến các món để liên hoan tất niên. Còn thì để gói giò ăn dần mấy ngày Tết…

Theo kinh nghiệm của anh Nguyên, thịt lợn Mường săn chắc và thơm ngon, nhất là không bị hoi, nhìn bằng mắt thường, loại lợn này mõm phải nhọn, thân thon, tai và chân bé, mông tròn, lông cứng. Lợn Mường được nuôi theo cách thả rông trong vườn, trong rừng chúng tự tìm thức ăn là các loại củ, rễ cây... thì mới có thịt thơm ngon.

Ngoài ra, lợn Mường không nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên thường chỉ nặng trên dưới 10 kg, mặc dù có những con nuôi hàng năm trời. Ăn cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt lợn Mường rất chắc, thơm ngon, hầu như không có mỡ, miếng nào có một tý mỡ thì cũng không ngấy. Chính vì vậy, thịt lợn Mường được ưa chuộng để chế biến các món liên hoan, tiệc tùng những ngày cuối năm ở các công ty, gia đình thành phố với giá trên dưới 1 triệu đồng/con.

Lợn Mường có nhiều kiểu chế biến nhưng khi mổ xong phải thui rơm như thui thịt cầy thì mới giữ được hương vị độc đáo. Thịt lợn chế biến thành nhiều món ngon như hấp, luộc, nướng, hầm... Ngon nhất là món lòng dồi và thịt ba chỉ còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy chấm muối trắng, trộn lá nhội rừng non cùng bột hạt dẻn, thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Nắm bắt nhu cầu thị trường nên mấy năm gần đây nhiều gia đình ngoại thành Hà Nội đã rào vườn nuôi thả lợn Mường số lượng lớn để cung ứng cho người tiêu dùng, đưa món đặc sản rừng núi đến với nhiều người hơn. Vi vậy, việc nuôi lợn Mường hiện nay cũng đang chạy theo lợi nhuận, nên chất lượng khó giữ được nguyên bản.

Theo Nguyễn Hiếu
Infornet