Richard Mille hợp tác cùng viện nghiên cứu NTPT sáng tạo những vật liệu chế tác tiên phong
(Dân trí) - Từ năm 2012, đội ngũ Nghiên cứu và phát triển công nghệ của Richard Mille đã cộng tác với North Thin Ply Technology (NTPT), một công ty danh tiếng về phát triển và sản xuất những nguyên vật liệu phức hợp cao cấp. Giờ đây, việc hai nhà tiên phong cùng mở ra một cơ sở thí nghiệm riêng đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong sự hợp tác này.
Ngành chế tác đồng hồ đương đại đã có những bước tiến khổng lồ theo hướng tương lai hoá về mọi mặt, bởi thành công trong việc đẩy xa giới hạn của một nghề truyền thống không những đòi hỏi bề dày tri thức chuyên môn, mà còn một khao khát sáng tạo và đổi mới. Richard Mille và NTPT chia sẻ tầm nhìn hướng tới tương lai này, và không ngần ngại nhanh chóng nắm bắt những công nghệ tiên tiến nhất của thời đại trong mỗi lĩnh vực hoạt động của mình. Hai thương hiệu đã hợp tác cho ra đời những chất liệu với những đặc tính chống chịu vượt trội, có khả năng miễn nhiễm với va chạm và biến đổi nhiệt đột ngột – như một minh chứng cho việc kỹ thuật tối tân có thể được sinh ra từ “phòng thí nghiệm” chế tác thủ công.
Trong không gian giản dị của một tòa nhà lâu đời, một nhóm 20 kỹ sư cần mẫn đưa ra những giải pháp kỹ thuật làm từ những hợp chất với công năng đặc biệt. Những mẫu gậy đánh golf làm từ sợi carbon nằm trên bàn. Những mẫu đồng hồ Richard Mille mới nhất nằm rải rác giữa những bức ảnh thuyền đua của giải America’s Cup – gợi nhớ về khởi nguồn của NTPT là nhà tiên phong trong chế tạo thuyền và cột buồm từ vật liệu carbon.
Mối dây gắn bó giữa Richard Mille và NTPT càng trở nên khăng khít hơn, qua việc phát triển không gian sản xuất mới rộng 300 m2, nằm phía sau toà nhà chính. Khu vực sản xuất chất liệu Quartz TPT mà Richard Mille nắm độc quyền cung cấp cho toàn ngành đồng hồ, sở hữu bộ máy có khả năng sản xuất 7,500 km Quartz TPT một năm. Công nghệ NTPT™ vốn được dùng để sản xuất cánh buồm cho giải đua thuyền Mỹ. Chất liệu được đăng ký bản quyền sáng chế Carbon TPT mà Richard Mille sử dụng lần đầu được lấy từ phần cột buồm của thuyền Alinghi, quán quân năm 2003 của giải thuyền buồm lừng danh. Chất liệu này cũng được áp dụng trong những công nghệ tối tân như sản xuất vệ tinh, xe đua Công thức 1.
Phải cần đến 12 công đoạn cực kỳ phức tạp mới có thể sản xuất được một khối Quartz TPT đủ tiêu chuẩn đưa đến nhà máy tạo hình của Richard Mille. Từ những cuộn sợi quartz, một cỗ máy tự động do NTPT phát minh dùng riêng cho quy trình này sẽ xếp các sợi vào một thiết bị chuyên biệt, tạo ra một vật liệu giống như băng dính ép mỏng – một dải quartz liền mạch nhúng trong một dung môi chất kết dính. Bản thân loại chất kết dính này cũng được phát triển đặc biệt cho việc sản xuất Quartz TPT.
Công nghệ xếp lớp dính tự động của NTPT giúp lớp băng đạt độ mỏng chỉ 45 micromet và mật độ đặc 52gr/m2, tương đương với chỉ số của Carbon TPT. Lớp băng thấm dính sau đó được trải thành các lớp và gập theo 4 đến 16 hướng khác nhau, cho đến khi một trăm lớp liên tục được xếp chồng lệch góc 45 độ, tạo thành một “tệp” quartz có thể được chia nhỏ nhờ dao kim loại siêu mảnh. Quy trình sản xuất này thống nhất, không kể độ dày của tệp vốn phụ thuộc vào mục đích sử dụng cuối cùng, ví dụ để chế tạo toàn bộ vỏ hoặc chỉ lớp trên của vỏ. Tệp này sau đó sẽ được đặt vào một nồi nung ở nhiệt độ 150 độ C, trong hơn 8 tiếng ở áp suất 6 bar. Sau khi nung, tệp Quartz TPT sẽ trở thành một khối đồng nhất, hoàn toàn chống nước cũng như kháng axit và kiềm.
Một ưu điểm vượt trội của Quartz TPT so với Carbon TPT đó là khả năng thẩm thấu sóng điện từ trường và khả năng chống tia UV cao hơn. Hỗn hợp chất dính cũng có thể được nhuộm màu để tạo ra những sắc độ mới. Khi thiết kế yêu cầu hai màu, ví dụ như trên mẫu RM 67-02, các lớp với các màu khác nhau cần phải xen kẽ trong khuôn.
Do các lớp được xếp lệch hướng 45 độ, Quartz TPT hiển thị hiệu ứng như nạm kim loại quý và đạt được độ khúc xạ ánh sáng hoàn toàn tinh khiết – không hề tán sắc và giữ nguyên màu của chất liệu dưới các điều kiện ánh sáng. Không có hai khối Quartz nào giống nhau. Có quá nhiều lớp trong một tệp Quartz TPT nên chắc chắn sẽ luôn có những khác biệt tinh vi, vì thế từng chiếc đồng hồ Richard Mille sẽ là một mẫu độc bản.
Quartz vốn có màu trắng, khiến NTPT gặp khó khăn trong việc tạo tác một khối thuần khiết, vì 50% thành phẩm bị dính bẩn hoặc lẫn tạp chất. Những sản phẩm này ngay lập tức bị loại bỏ, bởi một khi đã “chế biến hoàn thiện”, không gì có thể được thay đổi. Để giảm thiểu rủi ro này, NTPT đưa ra giải pháp về một “căn phòng trắng”, được trang bị để đạt được độ thanh sạch cao nhất. Richard Mille dành cho cơ sở này sự đầu tư triệt để, nhằm gia tăng khả năng sử dụng Quartz TPT trong những thiết kế sau này. “Căn phòng trắng” đã giảm đáng kể tỷ lệ loại trừ trong sản xuất.
Nhóm nghiên cứu còn phải xác nhận các đặc tính cơ học của thành phẩm khi tiếp xúc với các môi trường như tia UV, nhiệt độ cao, mồ hôi… để đảm bảo vật liệu không thay đổi màu sắc và form dáng. Sau những tính toán về cấu trúc, mỗi sự phát triển mới đều phải trải qua những bài kiểm tra về sức chịu nhiệt và lực kéo, cũng như các bài kiểm tra quy chuẩn để kiếm chứng những lợi ích tiềm tàng về tính xốp, độ chịu đựng… Thành phẩm sau đó sẽ phải vượt qua các kiểm tra quy chuẩn của châu Âu về việc sử dụng vật chất hoá học trong sản xuất, liệu chúng có gây ra dị ứng cho người dùng hay những ảnh hưởng đến môi trường… Chỉ có những khối Quartz chất lượng nhất mới có thể đạt tiêu chuẩn hiện diện trên một mẫu đồng hồ Richard Mille.
RICHARD MILLE (Viet Nam)
56 Ly Thai To, Metropole Hotel, Hanoi, Vietnam
Tel: (0084) 243 2669 356 - Fax: (0084) 243 2669 355