Nghệ An:
Rau rẻ như bèo, nông dân nuốt nước mắt bỏ rau tại ruộng
(Dân trí) - Giá rau xuống quá thấp, khiến nhiều nông dân phải nuốt nước mắt bỏ những luống rau mình vất vả chăm sóc ngay tại ruộng để cho chúng già đi, héo khô. Những gia đình khác thì “tận dụng” mang về làm thức ăn cho gia súc.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Việt Nam - Điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của các nền kinh tế mới nổi * Ngắm đại bàng vàng Mông Cổ giá 10.000 USD * Sát Tết, NHNN bơm ròng hơn 13.000 tỷ đồng cho hệ thống * Khối ngoại "cần mẫn" rót tiền mua cổ phiếu ngân hàng |
Nhưng khác hẳn vụ rau tết những năm trước, không khí trên các cánh đồng bạt ngàn rau xanh năm nay không còn rộn ràng tấp nập với cảnh nhà nhà, người người đổ ra đồng thu hoạch, chăm sóc những luống rau. Thay vào đó là không khí đìu hiu, vắng lặng đến lạ thường. Những luống rau đã “quá lứa” trở màu vàng quạch nằm đìu hiu trơ trọi. Thậm chí tại một số thửa ruộng khác, rau đến kỳ thu hoạch bị chặt phá tan hoang.
Khi được hỏi một số nông dân tại đây cho biết: Do giá rau xuống quá thấp nên dù đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không bán được nên người ta cũng để vậy và bỏ luôn. Chờ đến vụ khác rồi phá đi trồng lại. Nhà nào chăn nuôi gia súc thì tận dụng mang về làm thức ăn, còn không thì có thể phá ngay tại ruộng để cho đất đỡ bạc màu.
Giá rau tại đây xuống rất thấp so với những năm về trước: su hào, cà rốt với giá chỉ còn gần 2.000 đồng/kg, cải bắp cũng chỉ có giá gần 2.000/bắp, rau cải có giá từ 300 - 600 đồng/kg, đặc biệt củ cải chỉ 500 - dưới 1.000 đồng/kg. So với các vụ trước giá ra xuống chỉ còn bằng 1/3 thậm chí có loại chỉ còn khoảng 1/5 giá trước đây. Đặc biệt thời gian này thương lái cũng không đến mua đông như mọi khi nên rau dù giá “rẻ như bèo” nhưng cũng không có ai mua. Khiến nhiều hộ dân phải bỏ rau ngay tại ruộng. Những hộ gia đình may mắn bán được thì cũng lỗ nặng, chưa tính đến những ngày công vất vả chăm sóc.
Nhìn những luống rau xanh mướt của gia đình mình chị Hồ Thị Vân ở xóm Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng xót xa: “Nhà tôi có cả thảy 5 sào đều trồng rau cải. Bây giờ giá xuống thấp cũng không ai đến mua. Nên tôi cứ ra chặt về cho bò ăn dần. Nhiều nhà khác họ dùng dao phát cho rau nát hết ngay tại ruộng để chờ vụ sau sản xuất tiếp. Nghề này nó vậy đấy chú à. Hàng tháng trời chăm sóc bây giờ phải bỏ đi như thế này ai mà không tiếc”.
Không riêng gì chị Vân mà hàng trăm hộ gia đình khác ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương … đều trong tình cảnh tương tự. Suốt nhiều tháng trời ròng rã chăm sóc, vun từng luống đất, nhặt từng cọng cỏ, chờ từng ngày trông cho cây rau phát triển để kịp thu hoạch vào vụ tết Nguyên đán. Cái tết của cả gia đình cũng chỉ nhìn vào những luống rau ngoài ruộng. Bây giờ giá rau xuống thấp, không bán được, phải tự tay chặt bỏ đồng nghĩa với việc tự tay bỏ đi cái tết của gia đình mình.
Chị Trần Thị Nguyệt ở xóm 5, xã Quỳnh Lương chia sẻ: “Rau nhà em đã đến kỳ thu hoạch rồi mà cũng chẳng có ai mua. Cả nhà trông vào mấy luống rau này để lo tết mà bây giờ không bán được đồng nào. Không biết tết có mua nổi cho con bộ quần áo không các anh à”.
Nhìn những luống củ cải, su hào, cau cải … “chết già”, tan hoang trên những cánh đồng chúng tôi cũng không khỏi xót xa. Mồ hôi nước mắt của bà con nhân dân sau bao ngày vất vả bây giờ trở thành những “phế phẩm”. Đây cũng không phải lần đầu tiên người trồng rau tại đây phải chịu cảnh đắng cay như vậy. Đó cũng là bài toán mà chính quyền địa phương cần phải sớm tìm cách tháo gỡ để người dân yên tâm sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đình Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng chia sẻ: “Vụ rau năm nay giá xuống quá thấp. Việc người dân phải bỏ rau tại ruộng là điều có thực. Địa phương có hơn 100 hecta chuyên canh sản xuất rau sạch nhưng đa phần các hộ dân đều tự sản xuất rồi bán lại cho thương lái về tận nơi mua. Chứ không có thị trường chính, hay đơn vị nào bao tiêu sản phẩm. Nên việc “được mùa, mất giá” như thế này xảy ra rất thường xuyên”.
Thiết nghĩ UBND xã Quỳnh Bảng nói riêng và huyện Quỳnh Lưu nói chung nên cần tím hướng đi, phát triển lâu dài cho nghề trồng rau nơi đây. Cần có một cách nhìn hoàn thiện lâu dài từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nhân dân. Để cây rau trở thành mũi nhọn giúp đời sống người dân thay đổi thực sự bền vững.
Một số hình ảnh xót xa nhìn người dân phá rau vì giá bèo: