Rà soát Quy hoạch sân bay Quảng Ninh

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu rà soát lại Quy hoạch cảng hàng không Quảng Ninh và các quy hoạch liên quan, xác định rõ sự cần thiết, quy mô, nguồn vốn, hiệu quả của dự án, phương thức đầu tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nói chung.

Nhầm số liệu thiết kế: Thủ tướng yêu cầu rà soát Quy hoạch sân bay Quảng Ninh
Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh được đánh giá là dự án động lực, tạo điểm nhấn cho Khu kinh tế Vân Đồn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* “Điệp khúc” ùn tắc nông sản: Trách nhiệm Bộ Công Thương ở đâu?

* Tham nhũng, gánh nặng luật của Việt Nam hơn cả Lào và Campuchia

* Kiếm 1 tỷ đồng/ngày từ phân bò: “Bầu” Đức có “nổ”?

* OCH tiếp tục thay đổi thành viên HĐQT

* Đua đầu tư nông nghiệp, đại gia nào sẽ thành "Mai An Tiêm"?

* Chứng khoán “xanh vỏ đỏ lòng” nhờ bluechips

Hôm qua 16/4, Thủ tướng vừa giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại Quy hoạch cảng hàng không và các quy hoạch liên quan, xác định rõ sự cần thiết, quy mô, nguồn vốn, hiệu quả của dự án, phương thức đầu tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nói chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.
 
Theo kế hoạch ban đầu, Cảng hàng không Quảng Ninh với vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng đáng lý ra đã được khởi công từ ngày 27/3. Tuy nhiên, thời gian dự kiến khởi công đã được lùi lại do điều kiện thời tiết bất thường, mưa nhiều nên một số  hạng mục hạ tầng đấu nối vào khu vực xây dựng Cảng hàng không chưa thể hoàn thành đồng bộ, đúng tiến độ như dự kiến.
 
Mặt khác, qua nhiều lần khảo sát thực địa, chủ đầu tư đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái từ phía Tây Bắc sang phía Đông Nam đoạn sát với dự án Cảng hàng không nhằm khai thác tối ưu điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là tạo quỹ đất lớn hơn để phát triển, mở rộng sân bay trong tương lai, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ có hiệu quả, bền vững tại khu vực này. 
 
Cùng trong thời điểm này, trong công văn gửi tỉnh Quảng Ninh do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký, Bộ Xây dựng đã cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không Quảng Ninh, trong đó khẳng định, thuyết minh thiết kế cơ sở còn nhầm lẫn giữa số liệu tính toán công suất của sân bay Phan Thiết và sân bay Quảng Ninh. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ sai sót của đơn vị thiết kế.
 
Số liệu tính toán công suất đầu vào trong thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi xác định lượng khách giờ cao điểm (giai đoạn đến năm 2020) là 800 hành khách, tuy nhiên số liệu tính toán trong thuyết minh thiết kế cơ sở hạng mục nhà ga hành khách lại tính trên thông số 1.000 hành khách, dẫn đến quy mô diện tích của nhà ga tăng 20% so với công suất dự kiến 2 triệu khách/năm.
 
Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cảng hàng không Quảng Ninh theo quy mô đầu tư được phê duyệt là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế với tính chất dùng cho dân dụng và quân sự. Tuy nhiên, trong thiết kế cơ sở và thuyết minh dự án, dây chuyền công nghệ khai thác không được thiết kế cho việc đón các chuyến bay quốc tế.  
 
Giải pháp cấu tạo kiến trúc mái chưa rõ ràng, tiềm ẩn những vấn đề khó giải quyết liên quan đến thấm dột, hư hại khi sử dụng. Các hạng mục phụ trợ thiết kế chưa đồng bộ với Nhà ga hành khách và đường nét kiến trúc.
 
Việc tính toán công suất nhà ga hàng khách và các công trình phụ trợ với công suất đến 2020 là 2 triệu hành khách/năm, lưu lượng hàng hóa 10.000 tấn/năm, với tiêu chuẩn diện tích cho 1 hành khách là 16m2/hành khách tương đối thấp so với tiêu chuẩn nhà ga hàng không, trong khi dự báo công suất đến 2030 khoảng 5-6 triệu hành khách/năm, lưu lượng hàng hóa 30.000 tấn/năm, như vậy nhà ga sẽ sớm quá tải ngay sau khi đưa vào sử dụng.
 
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, công trình được đầu tư theo hình thức BOT, trong thời gian 45 năm với dự báo công suất lên đến 2030, như vậy cảng hàng không Quảng Ninh sẽ buộc sớm phải đầu tư mở rộng.
 
Trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, việc tính toán cho việc đầu tư xây dựng cảng hàng không - Nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ với công suất 2 triệu hành khác/năm, vì vậy thiếu lộ trình dài hạn, không đủ cơ sở số liệu để đàm phán thương thảo, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư BOT về lộ trình mở rộng quy mô, nâng cấp Cảng mở rộng nhà ga hành khách, xây dựng nhà ga hàng hóa mới và các hạng mục phụ trợ trong tương lai.
 
Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”