Ra mắt gói hỗ trợ AWS Lift cho doanh nghiệp SME tại Việt Nam
(Dân trí) - Với gói hỗ trợ mới AWS Lift, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể tận hưởng những lợi ích của dịch vụ đám mây của AWS mà gần như không phải lo lắng về các chi phí liên quan.
Ngày 6/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị AWS Cloud Day Vietnam 2023. Đây là sự kiện lớn của Amazon Web Services (AWS) tại thị trường Việt Nam nói riêng, và trong khu vực nói chung. Tại khuôn khổ sự kiện, AWS đã tung ra chương trình gói AWS Lift dành cho mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ (còn gọi là SME) tại Việt Nam, với mục tiêu tạo bệ phóng cho hành trình chuyển đổi số của họ.
Điểm mới lạ ở chương trình này là cho phép các SME trải nghiệm những lợi ích của dịch vụ đám mây mà gần như không phải lo lắng về các chi phí liên quan. Cụ thể, với phí thanh toán tối thiểu chỉ một USD (tương đương 23.000 đồng), doanh nghiệp SME sẽ có thể kích hoạt khoản tài trợ trị giá 750 USD (tương đương khoảng 17,74 triệu đồng) trong tài khoản. Sau khi trải nghiệm dịch vụ, việc tăng mức phí sử dụng sẽ tiếp tục được cộng thêm để bù trừ hóa đơn tối đa lên tới 83.500 USD (tương ứng 1,96 tỷ đồng) trong 12 tháng.
Ông Gunish Chawla, Giám đốc điều hành bộ phận Doanh nghiệp thị trường tầm trung và SME của AWS tại khu vực ASEAN, cho biết gói hỗ trợ này nhằm giúp các SME trở nên sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của mình.
"Thông qua các chương trình như AWS Lift, chúng tôi muốn thể hiện cam kết của mình trong đầu tư và trao quyền cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô, ngành nghề tại Việt Nam, giúp số hóa hoạt động kinh doanh và khai phá tiềm năng kinh tế của họ", ông Chawla chia sẻ. Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về ứng dụng đám mây với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) và doanh nghiệp SME hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đại diện cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ tiêu biểu đang trong hành trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng 2 con số, đạt 15% - 20% trong giai đoạn 2019-2022 trong khi trước đây chỉ 8% - 10% và dự kiến đạt 25% - 30% trong giai đoạn từ nay tới 2025.
"Chúng tôi làm chuyển đổi số theo từng năm, từng giai đoạn để tìm ra các vấn đề. Ban đầu phải 'ném đá dò đường' rồi đồng bộ hóa từng phần, khi thành công mới tiến tới toàn phần và cuối cùng là xây dựng nền sản xuất thông minh. Chuyển đổi số như vậy mới nâng cao tự động hóa, trình độ nhân sự lẫn năng suất lao động", ông Kết chia sẻ kinh nghiệm làm chuyển đổi số của Rạng Đông tại sự kiện do AWS tổ chức tại Hà Nội.
Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng không có con đường nào giống nhau để áp dụng cho các công ty, mà mỗi đơn vị phải tự tìm được lộ trình riêng. Theo ông Kết, việc ứng dụng công nghệ số vào hệ sinh thái phải tìm ra được cơ hội để vận dụng, nâng cao tính năng sản phẩm. "Chuyển đổi số là thay đổi tư duy, nhận thức, mô hình kinh doanh và điều hành, không chỉ là vấn đề công nghệ", ông khẳng định.
Ông Kết cũng đánh giá việc chuyển sang sử dụng dịch vụ đám mây giúp doanh nghiệp SME tăng lợi thế cạnh tranh, trải nghiệm khách hàng, mà không cần đầu tư quá nhiều cho cơ sở hạ tầng. "Nền tảng AWS giúp Rạng Đông dễ dàng triển khai các dự án khác nhau, đặc biệt có khả năng mở rộng và kết nối với các nền tảng smarthome khác để mở rộng hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ", ông cho biết.
Từ đó, các doanh nghiệp dẫu chưa có nguồn nhân lực mạnh về IoT vẫn có thể dễ dàng triển khai các dự án của mình trên nền tảng sẵn có, được AWS cung cấp.