Môi trường kinh doanh: "Đất lành chim đậu, chim chưa đậu đã nhậu hết chim"
(Dân trí) - Đề cập đến môi trường kinh doanh vẫn còn nặng tính xin - cho, làm khó doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh ví von: "Nhiều người muốn làm giàu cho quê hương, đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim".
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại tổ ngày 24/3, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật nhận định, mặc dù Đại hội lần thứ 12 của Đảng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhưng liệu Việt Nam đã đánh giá được hết thực chất tiềm lực của khu vực này hay chưa, có bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân có thể trở thành những đầu tàu kinh tế?
Ông Thông đề nghị cần phải có tổng điều tra về kinh tế tư nhân, đánh giá sức khoẻ khu vực này để "bốc cho họ những liều thuốc trở thành người khổng lồ".
"Muốn kinh tế tư nhân phát triển thì nuôi dưỡng sự trưởng thành của họ thế nào, cơ chế nào để họ có thể tiếp cận được các nguồn vốn, giải phóng năng lực. Chỉ toàn những doanh nghiệp nhỏ và vừa, toàn những thuyền thúng làm sao ra biển, làm sao cất cánh như Hàn Quốc, như Singapore được? Làm sao huy động được lực lượng này là bài toán cần tính" - đại biểu trăn trở.
Theo ông Thông, có nhiều vấn đề chúng ta vẫn lúng túng. Tư duy và nhận thức lúng túng nên dẫn đến lúng túng trong hành động. "Làm sao định hướng cho đúng chứ không khó lắm, vì một khi ra trận rồi mà vẫn lăn tăn, lúng túng thì chiến đấu làm sao?"
Ông Thông kể: "Rất nhiều người nước ngoài vào đã hỏi tôi là liệu họ có yên tâm mang tiền vào đây bỏ vốn để làm và khi rút đi tôi có an toàn mang tiền của tôi đi không? Đầu tư nước ngoài giống hệt một đàn chim di cư, ấm thì đến, lạnh thì rút nên khi cần rút là họ rút rất nhanh. Vậy nên nếu cứ trông đợi vào đầu tư nước ngoài thì mỏng manh lắm!"
Đến đây, ý kiến của đại biểu Lê Minh Thông nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình. Ông Thông phân tích, nên kinh tế Việt Nam đang có đến 28% GDP từ đầu tư nước ngoài mà nếu còn dựa tiếp vào đó, coi đó là trụ cột thì rất nguy.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhận xét, dù kinh tế đã có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nhưng việc cải cách thể chế, cải cách hành chính vẫn chưa bảo đảm tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế và người dân.
Theo bà Khánh, nền hành chính hiện nay vẫn mang tính xin - cho, nhiều cán bộ ở nhiều ngành vẫn "xin - cho" và làm khó cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp phát triển trong môi trường như vậy không dễ.
Vị đại biểu ví von: "Nhiều người muốn làm giàu cho quê hương, đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim. Do vậy cần xây dựng nền hành chính công để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thể chế".
Cũng trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, để tồn tại được trong sức ép cạnh tranh, Nhà nước phải thay đổi tư duy quản trị, phải là nhà nước kiến tạo, là "bà đỡ" cho sự phát triển. Tuy nhiên, chỉ đổi mới quản trị Nhà nước thì chưa đủ mà phải đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, là động lực để kinh tế phát triển. Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, còn bản thân doanh nghiệp phải biết áp dụng quản trị hiện đại, khoa học kỹ thuật vào kinh doanh sản xuất. Nếu năng suất cá biệt của doanh nghiệp không tăng lên thì không tạo được lợi nhuận siêu ngạch, mà sẽ bị đào thải.
Bích Diệp - Phương Thảo